Viêm tuyến giáp mạn tính thường dẫn đến hậu quả là tuyến giáp bị tổn thương dần dần, khả năng sản xuất hormon giảm gây suy giáp, có thể để lại di chứng trên nhiều bộ phận khác của cơ thể và truyền cho thế hệ sau nếu không được điều trị đúng cách. Để hiểu rõ hơn về bệnh viêm tuyến giáp mạn tính cũng như biện pháp khắc phục hiệu quả, an toàn hãy đọc ngay bài viết này.
Dấu hiệu nhận biết viêm tuyến giáp mạn tính là gì?
Tuyến giáp là bộ phận hình cánh bướm nhỏ, nằm ở phần cổ, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát trao đổi chất cũng như điều khiển hoạt động hô hấp, nhịp tim và thân nhiệt. Viêm tuyến giáp mạn tính là quá trình tự hủy hoại, trong đó, hệ thống miễn dịch nhầm lẫn tuyến giáp là một trong những nhân tố cần phải tiêu diệt giống như vi khuẩn xâm nhập. Hiện tượng này sẽ gây suy giảm chức năng tuyến giáp và ảnh hưởng tới không ít hoạt động của cơ thể.
Debby Herbenick, nhà dược sĩ học kiêm tư vấn viên nội tiết tại Đại học Indiana (Mỹ) cho biết, viêm tuyến giáp mạn tính thường khá khó để nhận biết bởi những triệu chứng không xuất hiện rõ ràng và liên tục. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, dẫn đến suy giáp. Khi đó, người bệnh mới thấy có biểu hiện bất thường và chủ yếu là triệu chứng của suy giáp, đó là: Mệt mỏi, sợ lạnh, rối loạn kinh nguyệt, táo bón nặng, da khô, tái, tăng cân. Tuyến giáp thường to (gây bướu cổ) nhưng cũng có thể teo nhỏ nên đôi khi khám tuyến giáp sẽ không phát hiện được gì đặc biệt.
Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ nặng dần và tuyến giáp to lên, kèm theo là chứng hay quên, trí nhớ giảm sút, hoạt động chậm chạp,… có thể nhầm lẫn với bệnh tâm thần.
>>> XEM THÊM: Người bị bướu nhân tuyến giáp kiêng ăn gì thì tốt?
Các biến chứng dễ gặp khi bị viêm tuyến giáp mạn tính
Biến chứng của viêm tuyến giáp mạn tính có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc như:
- Bướu cổ: Đây là hậu quả của tình trạng chịu kích thích kéo dài dẫn đến tuyến giáp bị phì đại. Đa số bệnh nhân không thấy có phiền toái gì nhưng một số người có bướu giáp to gây khó nuốt và khó thở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Bệnh tim mạch: Tình trạng suy giáp do viêm tuyến giáp mạn tính có thể là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch do gây rối loạn mỡ máu, dẫn đến xơ vữa động mạch, đáng sợ nhất là xơ vữa mạch vành. Một số người bệnh suy giáp có thể bị tăng huyết áp. Suy giáp nặng cũng có thể gây tim to, tràn dịch màng tim và suy tim.
- Tâm thần kinh: Trầm cảm có thể xuất hiện từ rất sớm và có xu hướng nặng lên theo tiến triển của bệnh. Viêm tuyến giáp mạn tính gây suy giảm các chức năng tâm thần như trí nhớ, khả năng tập trung, giấc ngủ,... Ngoài ra, bệnh cũng có thể làm suy giảm tình dục ở cả nam và nữ.
- Phù niêm: Đây là biểu hiện hiếm gặp nhưng rất nặng ở người bị viêm tuyến giáp mạn tính. Các triệu chứng bao gồm: Sợ lạnh, hạ thân nhiệt (có thể thấp tới 35ºC), lờ đờ, ngủ gà, luôn trong tình trạng mệt mỏi và cuối cùng là hôn mê. Bệnh khởi phát hoặc nặng lên do nhiễm khuẩn, stress hoặc do dùng thuốc ngủ. Những bệnh nhân này cần được điều trị cấp cứu ngay vì tiên lượng rất nặng.
- Dị tật bẩm sinh: Con của những bà mẹ bị suy giáp do viêm tuyến giáp mạn tính mà không được phát hiện sẽ có nguy cơ rất cao bị các dị tật bẩm sinh về não, tim, thận,... dẫn đến chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ sau khi sinh ra. Tuy nhiên, nếu suy giáp ở người mẹ được phát hiện và điều trị sớm trong những tuần đầu thì nguy cơ bị dị tật sẽ giảm. Vì thế, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên kiểm tra chức năng tuyến giáp trước khi có thai. Những người bị sảy thai, thai lưu nhiều lần cũng nên kiểm tra hormone tuyến giáp.
Đặc biệt, do rối loạn hoạt động của hệ thống miễn dịch, bệnh nhân viêm tuyến giáp mạn tính có nguy cơ mắc một số bệnh như: Đái tháo đường type 1, viêm đa khớp dạng thấp, thiếu máu ác tính, bệnh Addison, suy giảm chức năng buồng trứng sớm, bệnh lupus ban đỏ hệ thống,…
>>> XEM THÊM: Các loại thuốc điều trị basedow và những lưu ý khi điều trị
Điều trị viêm tuyến giáp mạn tính như thế nào?
Phương hướng điều trị viêm tuyến giáp mạn tính phụ thuộc tình trạng bệnh nhân. Nếu chưa xuất hiện tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp thì người bệnh cần tái khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy giáp. Bên cạnh đó, việc thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung thực phẩm có ích giúp tăng cường miễn dịch là điều rất cần thiết. Với những bệnh nhân có thiếu hụt hormone sẽ được điều trị thay thế bằng hormone giáp tổng hợp, nhưng để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng cũng như kết quả xét nghiệm về bình thường thì phải mất 3 - 6 tháng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phòng bệnh viêm tuyến giáp mạn tính bằng cách bổ sung iod từ nguồn thức ăn khoảng 100 - 150mcg mỗi ngày, tránh căng thẳng tinh thần và thường xuyên kiểm tra chức năng tuyến giáp. Nhìn chung, tiên lượng của các bệnh nhân viêm tuyến giáp mạn tính là tốt, có cuộc sống hoàn toàn bình thường nếu được điều trị đúng cách.
>>> XEM THÊM: Người bị nhân xơ tuyến giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì thì tốt?