Ngày nay, cường giáp là hội chứng thường gặp trong cộng đồng do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó phải kể đến bệnh Basedow. Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, vậy nếu không may mắc bệnh cường chức năng tuyến giáp, chúng ta cần được điều trị như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin hữu ích về căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé.
Thế nào là bệnh cường giáp?
Cường giáp không phải là một bệnh lý đơn thuần mà là một hội chứng được gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó hay gặp nhất là Basedow. Cường giáp có nghĩa là tuyến giáp hoạt động quá mức bình thường, dẫn đến các hormon của tuyến giáp là Triiodothyronine (T3) và Thyroxine (T4) bị dư thừa, từ đó gây ra một loạt các rối loạn trong cơ thể như rối loạn nhịp tim, tăng đường huyết, sụt cân, lồi mắt, tổn thương giác mạc,...
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng sản xuất T3, T4
Tỷ lệ mắc bệnh cường giáp trong cộng đồng
Hiện vẫn chưa có khảo sát đầy đủ về tỷ lệ mắc bệnh cường giáp trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc cường giáp ở phụ nữ cao hơn từ 2 đến 10 lần so với nam giới.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cường giáp bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người mắc các bệnh lý về tuyến giáp.
- Người đang mắc các bệnh lý khác như:
- Bệnh tiểu đường loại I.
- Tuyến thượng thận bị suy giảm chức năng.
- Người cao tuổi (> 60 tuổi), nữ giới.
- Sử dụng một lượng lớn Iod từ thực phẩm hoặc thuốc như amiodarone.
- Thiếu máu ác tính do thiếu vitamin B12.
- Đang có các bệnh lý về tuyến giáp như bướu cổ, phẫu thuật tuyến giáp.
Những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý cường giáp
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng cường giáp như: Basedow, nhân tuyến giáp lành tính, sử dụng i-ốt quá mức,... Cụ thể:
Bệnh Basedow
Basedow là nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng cường giáp. Đây là một bệnh lý tự miễn thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới do rối loạn dòng tế bào Lympho. Tế bào Lympho B tăng tổng hợp các tự kháng thể để kháng lại thyroglobulin, dẫn đến hormon T3, T4 giải phóng ồ ạt vào máu ngoại vi. Ngoài ra với sự xuất hiện của hormon TSH, tuyến giáp sẽ bị kích thích liên tục và tăng cường sản xuất T3,T4. Kết quả là nồng độ hormon giáp T3, T4 tăng cao liên tục trong máu và gây ra một loạt các rối loạn. Đây là loại bệnh có tính di truyền và thường gặp ở phụ nữ từ 20 đến 50 tuổi.
Basedow là nguyên nhân số một gây ra hội chứng cường giáp
Các nhân giáp lành tính
Nhân giáp là các cục u có kích thước nhỏ tại 2 bên nang giáp thường là lành tính. Những nhân giáp có thể bị kích thích tăng sản xuất hormon giáp quá mức gây cường giáp. Bệnh lý này có thể gặp ở cả người trẻ tuổi và người lớn tuổi.
Sử dụng quá mức I-ốt
I-ốt là nguyên liệu để tuyến giáp tổng hợp hormon giáp T3, T4. Nếu tiêu thụ lượng lớn I-ốt từ thực phẩm hàng ngày như hải sản hoặc thuốc lợi tiểu amiodaron sẽ tạo điều kiện để tuyến giáp tăng cường tổng hợp hormon.
Dùng quá liều các thuốc tuyến giáp
Người mắc suy giáp được điều trị bằng các thuốc bổ sung hormon tuyến giáp nếu dùng quá liều khuyến cáo cũng có thể gây ra tình trạng cường giáp. Vì vậy, người bệnh suy giáp nên được kiểm tra định kỳ ít nhất 1 lần/năm nồng độ hormone tuyến giáp để có những điều chỉnh kịp thời về liều dùng của thuốc.
Ngoài ra, khi người bệnh sử dụng nhiều thuốc cùng lúc, có thể xảy ra tương tác làm tăng hoặc giảm nồng độ của các thuốc hormon giáp trong máu. Vì vậy, khi người mắc cường giáp có ý định dùng thêm bất kỳ một loại thuốc nào khác, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Dùng quá liều thuốc bổ sung hormone giáp sẽ gây cường giáp
Viêm tuyến giáp
Khi tuyến giáp bị viêm do một nguyên nhân nào đó như nhiễm khuẩn, cấu trúc của nang giáp sẽ bị phá vỡ, dẫn đến các hormon giáp được dự trữ trong lòng nang rò rỉ ra ngoài gây cường giáp.
Một số loại viêm tuyến giáp thường gặp:
- Viêm tuyến giáp âm thầm: Các triệu chứng thầm lặng và gây tổn thương tuyến giáp một cách từ từ, rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm của bệnh.
- Viêm tuyến giáp sau sinh: Loại bệnh này có thể xuất hiện ở phụ nữ sau sinh trong khoảng 1 năm.
- Viêm tuyến giáp bán cấp: Sau khi nhiễm virus, vi khuẩn vài tuần, tình trạng viêm tuyến giáp có thể xảy ra với các triệu chứng như sốt, sưng, đau vùng cổ. Cơ chế của tổn thương này hiện vẫn chưa được biết rõ.
U tuyến yên tăng tiết TSH
TSH là một hormon do thùy trước tuyến yên sản xuất, đảm nhận vai trò kích thích tuyến giáp tổng hợp và giải phóng hormon giáp. U tuyến yên tăng tiết TSH là một bệnh lý hiếm gặp, chỉ chiếm 1% trong các loại u ở tuyến yên. Triệu chứng cường giáp không quá nặng như bệnh Basedow gây ra.
Triệu chứng và các xét nghiệm chẩn đoán cường giáp
Để chẩn đoán chính xác cường giáp, bác sĩ cần dựa vào triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm chuyên sâu. Dưới đây là một số triệu chứng cùng các chỉ số giúp đánh giá tình trạng bệnh:
Các triệu chứng thường gặp
Nồng độ hormone tuyến giáp tăng cao sẽ làm tăng tốc độ chuyển hóa khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng như: Tim đập nhanh, mệt mỏi, huyết áp cao,... Cụ thể:
- Các hormon tuyến giáp làm tăng chuyển hóa, do đó người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ từ 37.5 đến 38 độ C, da nóng ẩm, đổ mồ hôi.
- Người bệnh sụt cân nhanh mặc dù ăn nhiều và uống nhiều.
- Nhịp tim nhanh thường xuyên, tăng huyết áp tâm thu, lâu ngày có thể dẫn đến rung nhĩ hoặc suy tim.
- Người bệnh ở trong trạng thái kích thích, lo âu, dễ cáu gắt, bồn chồn, khó ngủ.
- Tăng nhu động ruột, dễ gây tiêu chảy nhưng không kèm đau quặn ruột.
- Run đầu ngón tay với tần số nhanh, biên độ nhỏ.
- Vùng cổ sưng to.
- Nếu nguyên nhân do bệnh Basedow, người bệnh sẽ có thêm triệu chứng lồi 2 bên mắt, ánh mắt long lanh, dễ chảy nước mắt.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh cường giáp
Các xét nghiệm chẩn đoán
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, để xác định chính xác bệnh cường giáp, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các xét nghiệm như:
- Siêu âm hoặc xạ hình tuyến giáp để xác định mức độ hoạt động của tuyến giáp? Tuyến giáp có nhân không? Có bị viêm không?
- Tiến hành đo chuyển hóa cơ bản, phản xạ gân gót.
- Xét nghiệm máu xác định nồng độ các hormon, các kháng thể lưu hành trong máu: Nồng độ TSH <0,05UI/l (0,3 – 5UI/l), FT4 và FT3 tăng; kháng thể kháng TSH (TRAb) tăng trên 80%.
- Đo độ tập trung Iod phóng xạ.
Xét nghiệm TSH trong chẩn đoán bệnh cường giáp
Cường giáp có nguy hiểm không?
Tuyến giáp hoạt động quá mức trong một thời gian dài không được điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, bao gồm: Cơn nhiễm độc giáp, suy tim, lồi mắt ác tính. Cụ thể:
- Cơn nhiễm độc giáp cấp (Bão tố giáp):
-
- Cơn nhiễm độc giáp cấp là tình trạng nồng độ hormone tuyến giáp đột ngột tăng cao gây nguy hiểm đến tính mạng người mắc.
- Thường xuất hiện sau khi người bệnh trải qua một đợt phẫu thuật, stress nặng, chấn thương, nhiễm khuẩn cấp tính.
- Người bệnh có thể bị kích động, lú lẫn, hôn mê, loạn nhịp nhanh, suy tim cấp và trụy tim mạch.
-
- Biến chứng trên tim mạch: Loạn nhịp tim có thể dẫn đến ngoại tâm thu, suy tim toàn bộ hoặc tạo thành huyết khối trong buồng tim.
- Lồi mắt ác tính: Lồi cả 2 bên mắt, diễn biến nhanh, có thể đẩy nhãn cầu của người bệnh ra khỏi hốc mắt gây loét giác mạc, mù lòa.
Bệnh cường giáp được điều trị như thế nào?
Mục tiêu của quá trình điều trị là đưa nồng độ hormon tuyến giáp về mức bình thường, từ đó cân bằng lại các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Hiện nay có 3 phương pháp để điều trị bệnh cường giáp bao gồm: Điều trị nội khoa bằng thuốc, điều trị ngoại khoa và bằng đồng vị phóng xạ của Iod.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là phương pháp đầu tay trong việc kiểm soát và cải thiện hội chứng cường giáp. Trong phác đồ điều trị, các bác sĩ thường sử dụng một số thuốc như: Chẹn beta, iod vô cơ, thuốc kháng giáp,...
Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta không phải là thuốc tác động trực tiếp lên tuyến giáp mà là làm giảm các triệu chứng trên tim mạch của bệnh như tim đập nhanh, lo lắng, bồn chồn, run tay.
Iod vô cơ: Sử dụng Iod trong mức liều phù hợp có thể ức chế sự thu nhận Iod vào tuyến giáp, ức chế sự tạo thành và giải phóng T3,T4 (theo hiệu ứng Wolff-Chaikoff). Tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng trong 15 ngày.
Thuốc kháng giáp tổng hợp: Bao gồm 2 nhóm thuốc là nhóm Thiouracil (PTU-propylthiouracil) và nhóm Imidazol (methimazole, carbimazole). Các thuốc này ngăn sự gắn Iod vào thyroglobulin, cản trở sự chuyển hóa T4 thành T3. Một liệu trình điều trị của thuốc là từ 12 đến 24 tháng.
Methimazole có tác dụng ngăn chặn tuyến giáp sản xuất hormone
Điều trị bằng đồng vị phóng xạ của Iod
Phương pháp này sử dụng Iod phóng xạ để làm tổn thương các tế bào tuyến giáp. Thuốc này được dùng bằng đường uống, i-ốt sẽ hấp thu qua niêm mạc đường tiêu hóa vào máu. Do các tế bào tuyến giáp luôn trong tình trạng cần Iod, vì vậy chúng sẽ hấp thu các Iod phóng xạ vào nang giáp. Tại đây Iod phóng xạ sẽ phá hủy một phần tuyến giáp để ngăn chặn việc sản xuất hormone quá mức.
Iod phóng xạ được chỉ định trên người cao tuổi, không có chỉ định phẫu thuật, các trường hợp dị ứng với thuốc. Một biến chứng thường gặp trên mọi trường hợp được điều trị bằng Iod phóng xạ là suy giáp vĩnh viễn. Tuy nhiên, so với cường giáp, điều trị suy giáp vẫn dễ dàng hơn, do đó thuốc phóng xạ ngày nay được sử dụng rộng rãi hơn. Phụ nữ có thai và cho con bú không được sử dụng Iod phóng xạ do có thể gây suy giáp và các biến chứng nghiêm trọng trên thai nhi.
Điều trị ngoại khoa
Đây là phương pháp điều trị tiệt căn, chữa khỏi hoàn toàn bệnh cường giáp. Bác sĩ sẽ chỉ định cắt tuyến giáp bán phần hoặc toàn phần cho người bệnh. Sau khi cắt bỏ tuyến giáp, bạn sẽ bị suy giáp vĩnh viễn và phải bổ sung hormon tuyến giáp hàng ngày. Phương pháp này thường được chỉ định cho những người bệnh trẻ, điều trị nội khoa thất bại và có biến chứng.
Hiện nay, bên cạnh các phương pháp điều trị tây y, nhiều người bị cường giáp có xu hướng sử dụng kết hợp với các thảo dược. Tiêu biểu trong số đó là hải tảo. Từ thời tiền sử, người Nhật Bản và Trung Quốc đã sử dụng hải tảo như thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày bởi họ thấy loài thực vật này có giá trị dinh dưỡng cao. Ở các nước phương tây, hải tảo đã được sử dụng như một loại thực phẩm có tác dụng chữa bệnh.
Hải tảo giúp hỗ trợ điều trị cường giáp hiệu quả
Đặc biệt, gần 2000 năm qua, người Trung Quốc đã dùng hải tảo để chữa nhiều căn bệnh tuyến giáp. Hải tảo chứa nhiều thành phần như sắt, đường, axit amin,… giúp kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm, chống độc tố, ngăn chặn quá trình oxy hóa và thu nhỏ kích thước khối u. Khi kết hợp hải tảo với nhiều thảo dược khác như: Khổ sâm nam, bán biên liên, ba chạc, lá neem,... thì hiệu quả hỗ trợ cải thiện cường giáp được tăng lên nhiều lần.
Thấy được tác dụng tuyệt vời của các thảo dược trong hỗ trợ điều trị cường giáp các nhà khoa học đã nghiên cứu và bào chế thành công sản phẩm chứa thành phần chính hải tảo. Sản phẩm giúp giảm nhẹ các triệu chứng về tim mạch, huyết áp, ổn định thân nhiệt của bệnh tuyến giáp và thu nhỏ khối bướu hiệu quả. Vì có nguồn gốc từ thiên nhiên và đã được nghiên cứu kỹ lượng do vậy người bị cường giáp có thể yên tâm sử dụng.
>>>Xem thêm: Các nhóm thuốc điều trị cường giáp hiện nay – Có thể bạn chưa biết!
Một số câu hỏi về cường giáp
Ngoài các câu hỏi liên quan nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị cường giáp thì hiện nay nhiều người băn khoăn về chế độ dinh dưỡng, khả năng sinh sản khi bị bệnh.
Người bị cường giáp nên ăn gì và không nên ăn gì?
Người mắc bệnh cường giáp cần có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp cho hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đồng thời giúp cân bằng các hormon tuyến giáp trong cơ thể. Người bệnh có thể tăng cường sử dụng các loại rau quả chứa các chất chống oxy hóa như: Dâu tây, cam, quýt, cà chua, rau chân vịt, ớt chuông, rau cải,...
Bên cạnh đó, người bệnh cần được bổ sung vitamin D và omega 3. Những chất này vừa có tác dụng làm giảm hoạt động của tuyến giáp, vừa giúp hạ cholesterol máu. Những thực phẩm giàu vitamin D và omega 3 bao gồm cá hồi, trứng, nấm, giàu oliu, hạt đậu nành, quả óc chó,... Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, có thể dẫn đến sự thiếu hụt kẽm - một nguyên tố vi lượng có vai trò quan trọng trong phân chia tế bào. Do đó, người mắc bệnh cường giáp cũng nên sử dụng các loại thực phẩm giàu kẽm như bí ngô, hạnh nhân, hạt lanh,...
Để hạn chế sự hoạt động quá mức của tuyến giáp, người bệnh nên tránh ăn các thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường như kẹo, bánh, nước ngọt, khoai tây chiên,... Bên cạnh đó người bệnh cần nói không với cà phê và rượu, bia. Những thức uống này không chỉ kích thích sự hoạt động của tuyến giáp mà còn làm nặng thêm các triệu chứng của cường giáp như: Mệt mỏi, nhịp tim nhanh,...
Người mắc cường giáp cần nói không với rượu, bia
Cường giáp có chữa khỏi được không?
Thật may, nếu người bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể chữa khỏi bệnh tuyến giáp. Hiện nay có 3 phương pháp chính để điều trị bệnh cường giáp bao gồm điều trị nội khoa, ngoại khoa và Iod phóng xạ.
Phương pháp phổ biến được áp dụng hiện nay là điều trị nội khoa bằng các thuốc kháng giáp tổng hợp. Liệu trình điều trị từ 12-24 tháng có thể ngăn ngừa sự hoạt động quá mức của tuyến giáp trong thời gian dài. Nếu phương pháp điều trị nội khoa thất bại, người bệnh có thể được xem xét phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc sử dụng Iod phóng xạ.
Sau khi điều trị bệnh ổn định, người bệnh vẫn nên duy trì khám bác sĩ 3 tháng/1 lần trong năm đầu tiên và 1 năm/1 lần trong những năm tiếp theo để phòng bệnh tái phát. Khi bệnh tái phát, người mắc sẽ được dùng lại các thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc Iod phóng xạ.
Người bị cường giáp có vô sinh không?
Hormon tuyến giáp có ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý của cơ thể, vì vậy người bị cường giáp thường lo lắng liệu rằng khả năng sinh sản của mình có bị ảnh hưởng không. Câu trả lời sẽ là không nếu người bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời.
Với phụ nữ, trước khi quyết định có thai, bệnh cường giáp cần phải được điều trị khỏi hoàn toàn. Việc này sẽ hạn chế sự ảnh hưởng xấu của bệnh và thuốc lên thai nhi, ngăn ngừa sảy thai, sinh non, suy giáp bẩm sinh, tim bẩm sinh,... Nếu đã mang thai, bạn cần thông báo cho bác sĩ của mình biết để có kế hoạch điều trị và theo dõi thai kỳ hợp lý.
Nam giới bị bệnh lý cường giáp có thể bị giảm ham muốn tình dục, nặng hơn là yếu sinh lý. Tuy nhiên nếu bệnh được điều trị sớm và tích cực, chức năng sinh sản của nam giới có thể trở về bình thường.
Cường giáp nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc. Vì vậy, để cải thiện cường giáp hiệu quả người bệnh cần đi khám sớm, tuân thủ điều trị kết hợp sử dụng thêm các sản phẩm thảo dược an toàn, lành tính.
Link tham khảo:
https://www.niddk.nih.gov/health-information/endocrine-diseases/hyperthyroidism
https://www.healthline.com/health/hyperthyroidism#symptoms
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/symptoms-causes/syc-20373659