Bệnh tuyến giáp ngày càng phổ biến, trong đó có suy giáp. Suy giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất không đủ hormone so với nhu cầu của cơ thể. Thuốc điều trị suy giáp quan trọng nhất hiện nay là levothyroxine. Đây là hormone tuyến giáp tổng hợp. Vậy tác dụng của levothyroxine trong điều trị suy giáp là gì? Tác dụng không mong muốn ra sao? Khi dùng chung với các thuốc khác có xảy ra tương tác không?
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, dẫn tới không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nguyên nhân gây suy giáp bao gồm phẫu thuật tuyến giáp, viêm tuyến giáp Hashimoto (một bệnh tự miễn) và dùng thuốc điều trị cường giáp (thuốc kháng giáp, iod phóng xạ).
Các triệu chứng của suy giáp có thể là tăng cân, mệt mỏi, da khô, tóc rụng, thân nhiệt thấp, cholesterol máu cao… Để điều trị suy giáp, người bệnh cần bổ sung hormone tuyến giáp thiếu hụt bằng cách uống levothyroxine hàng ngày. Vậy levothyroxine có tác dụng gì? Những đối tượng nào không nên hoặc cần thận trọng khi dùng thuốc? Thuốc có gây ra tác dụng phụ không?
Tác dụng của levothyroxine
Tuyến giáp tiết hai hormone chính là triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4). Lượng hormone sản xuất từ tuyến giáp được điều hòa bởi thyrotropine (TSH) của thùy trước tuyến yên. Sự bài tiết TSH lại được điều hòa thông qua yếu tố giải phóng thyrotropine (TRH) tiết ra từ vùng dưới đồi và lượng hormone T3, T4 trong máu. Các thuốc tuyến giáp sẽ tác động vào cơ chế điều hòa ngược này.
Levothyroxine là một hợp chất đồng phân của thyroxine (T4). Các thuốc trên thị trường đa phần là chế phẩm tổng hợp. Tác dụng của levothyroxine là tăng tốc độ chuyển hóa của các mô trong cơ thể, điều hòa sự phát triển của tế bào. Nếu trẻ em thiếu hormone này sẽ chậm lớn, còi xương và não kém phát triển (có thể bị đần độn). Levothyroxine làm tăng tiêu thụ oxy ở các mô và tăng tốc độ chuyển hóa đạm, đường, mỡ trong cơ thể. Hormone tuyến giáp còn tác động đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương và tim mạch, giúp tăng co bóp cơ tim và khiến não bộ tập trung cao độ.
Levothyroxine được dùng trong điều trị suy giáp do bất cứ nguyên nhân hay lứa tuổi nào, kể cả phụ nữ có thai. Chỉ trừ trường hợp suy giáp nhất thời trong thời kỳ hồi phục viêm giáp bán cấp. Ngoài suy giáp, levothyroxine còn được dùng trong bướu cổ đơn thuần để giúp giảm kích thước bướu. Thuốc này còn được sử dụng trong nhiễm độc giáp để ngăn chặn bướu giáp và suy giáp.
Trường hợp nào không nên và cần thận trọng khi dùng levothyroxine
Levothyroxine sẽ không được sử dụng trong trường hợp người bệnh nhiễm độc giáp chưa được điều trị, nhồi máu cơ tim hay suy tuyến thượng thận.
Ở người suy giáp có kèm bệnh tim mạch và tăng huyết áp, cần thận trọng khi sử dụng thuốc bởi tình trạng nhồi máu có thể xảy ra. Đặc biệt, khi dùng cần giảm liều trên các đối tượng này.
Nếu bệnh nhân bị kèm với đái tháo đường hoặc suy thượng thận thì khi điều trị bằng levothyroxine sẽ làm các triệu chứng bệnh nặng hơn. Người bệnh cần điều chỉnh các biện pháp điều trị hợp lý trong các bệnh nội tiết song hành này.
Levothyroxine không đi qua hàng rào nhau thai. Phụ nữ có thai bị suy giáp cần điều trị bằng levothyroxine đầy đủ để tránh biến chứng suy giáp bẩm sinh trên thai nhi. Cần điều chỉnh liều bằng cách kiểm tra định kỳ nồng độ TSH trong huyết thanh.
Thuốc có thể bài tiết một lượng nhỏ vào sữa nhưng không gây tác dụng có hại đến trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng khi chỉ định levothyroxine đối với phụ nữ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn của levothyroxine
Mặc dù có bản chất là một hormone tuyến giáp trong cơ thể nhưng levothyroxine vẫn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Các phản ứng phụ này có liên quan đến liều lượng của thuốc.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc levothyroxine đó là: Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, sụt cân, dễ kích động, vã mồ hôi, run tay, mất ngủ, đau đầu, không chịu được nóng… Đây là những biểu hiện của cường giáp, xảy ra khi quá liều levothyroxine.
Tác dụng không mong muốn ít gặp hơn có thể là rụng tóc, dị ứng, tăng chuyển hóa, suy tim, loãng xương, gây liền sớm đường khớp sọ ở trẻ em, u giả ở não trẻ em.
Levothyroxine có thể tương tác với thuốc nào?
Nếu người mắc suy giáp có kèm các vấn đề sức khỏe khác thì cần uống thuốc điều trị các bệnh lý đó. Tuy nhiên, levothyroxine có thể gây ra tương tác với một số loại thuốc:
- Thuốc điều trị tiểu đường và insulin: Levothyroxine có thể làm tăng nhu cầu insulin và liều thuốc chống đái tháo đường. Vì vậy, với bệnh nhân suy giáp kèm tiểu đường, cần nói với bác sĩ về các bệnh lý của mình để có hướng xử trí phù hợp.
- Thuốc chống đông máu: Tác dụng của thuốc chống đông máu có thể bị ảnh hưởng bởi levothyroxine. Khi tăng liều levothyroxine sẽ cần giảm liều thuốc chống đông.
- Corticosteroid: Sự thải trừ của các thuốc corticosteroid sẽ bị giảm ở người bệnh suy giáp và tăng ở người bị cường giáp. Cần dựa vào việc đánh giá chức năng tuyến giáp để có sự điều chỉnh liều levothyroxine cho phù hợp.
- Glycoside trợ tim: Tác dụng của các thuốc glycoside trợ tim có thể bị giảm khi dùng đồng thời với levothyroxine.
Ngoài ra, levothyroxine có thể ảnh hưởng đến các thuốc khác như theophylin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chẹn beta…