Levothyroxine là thuốc điều trị suy giáp chứa hormone tuyến giáp tổng hợp để bổ sung cho sự thiếu hụt hormone do hội chứng này gây nên. Vậy tác dụng của levothyroxine là gì? Nên sử dụng như thế nào để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra? Nếu đang băn khoăn về vấn đề này, hãy ĐỌC NGAY thông tin bài viết sau đây.
Tác dụng của thuốc điều trị suy giáp levothyroxine
Tuyến giáp tiết 2 hormone chính là triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4), tham gia điều hòa sự trao đổi chất, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của một số cơ quan như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa,... cũng như chuyển hóa các chất carbohydrate, chất béo, chất đạm,... Suy giáp là hội chứng xảy ra khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm, dẫn tới không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nguyên nhân gây suy giáp bao gồm: Phẫu thuật tuyến giáp, viêm tuyến giáp hashimoto (một bệnh tự miễn) và dùng thuốc điều trị cường giáp (thuốc kháng giáp, iod phóng xạ). Các triệu chứng của suy giáp có thể là tăng cân, mệt mỏi, da khô, tóc rụng, thân nhiệt thấp, cholesterol máu cao,… Để điều trị suy giáp, người bệnh cần bổ sung lượng hormone tuyến giáp bị thiếu hụt hàng ngày.
Levothyroxine là hợp chất đồng phân của thyroxine (T4) có tác dụng làm tăng tiêu thụ oxy ở các mô, tăng tốc độ chuyển hóa đạm, đường, mỡ trong cơ thể, điều hòa sự phát triển tế bào, tác động đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương và tim mạch, giúp tăng co bóp cơ tim cũng như khiến não bộ tập trung cao độ.
Levothyroxine được dùng trong điều trị suy giáp do bất cứ nguyên nhân hay lứa tuổi nào, kể cả phụ nữ có thai. Chỉ trừ trường hợp suy giáp nhất thời trong thời kỳ hồi phục viêm giáp bán cấp. Ngoài suy giáp, levothyroxine còn được dùng trong bướu cổ đơn thuần để giúp giảm kích thước bướu. Thuốc này còn được sử dụng trong nhiễm độc giáp để ngăn chặn bướ giáp và suy giáp.
Thuốc điều trị suy giáp levothyroxine
Nên sử dụng levothyroxine như thế nào?
Để điều trị bệnh dứt điểm, tốt nhất mọi người nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn về liều dùng, thông thường dùng thuốc 1 lần/ngày. Nên uống thuốc với nhiều nước, trước khi ăn sáng ít nhất từ 30 phút đến 1 giờ. Nếu lựa chọn việc uống thuốc vào buổi tối, hãy chắc chắn rằng, bạn không ăn gì trong vòng 4 tiếng trước đó.
Trường hợp dùng thuốc levothyroxin ở dạng viên nang, hãy nuốt trọn viên thuốc, không được tách làm đôi, nghiền nát hay nhai thuốc. Đối với trẻ em hay trẻ sơ sinh không nuốt được cả viên nang thì dùng viên nén, nghiền nát thuốc và trộn với khoảng 5 - 10ml nước, sử dụng cùng với thìa hay ống hút khi uống. Không được trộn thuốc levothyroxin với đậu nành cho trẻ sơ sinh. Tốt nhất, hãy trao đổi cụ thể với các bác sĩ/dược sĩ trước khi có ý định dùng thuốc điều trị bệnh.
Nói chung, levothyroxine an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên, cần theo dõi liều lượng phù hợp, liều quá thấp hoặc quá cao đều không tốt cho mẹ và con. Bệnh nhân cần thường xuyên xét nghiệm để uống đúng liều, hầu hết phụ nữ có thai uống liều cao hơn lúc bình thường. Với phụ nữ cho con bú, nồng độ levothyroxine tiết qua sữa rất thấp không gây hại cho bé. Hơn nữa, hormone tuyến giáp cũng rất cần thiết trong việc tạo sữa đủ để nuôi con. Tuy nhiên, việc dùng thuốc đối với phụ nữ có thai và cho con bú luôn là vấn đề rất nhạy cảm nên cần có sự kiểm soát của chuyên gia.
Liều lượng thuốc điều trị được chỉ định dựa trên tình trạng bệnh lý, sức khỏe, cân nặng cũng như những kết quả xét nghiệm,... Sử dụng levothyroxin thường xuyên vào cùng 1 thời điểm trong ngày sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Không được tự ý dùng thuốc, thay đổi về liều dùng hay kéo dài thời gian dùng thuốc.
Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng levothyroxine là gì?
Sử dụng levothyroxine điều trị suy giáp cần thận trọng với những người có mức hormone tuyến giáp tăng cao khi dùng thuốc, suy giảm tuyến thượng thận, tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp hay tiểu đường. Một số loại thuốc và thực phẩm khác cũng có thể gây tương tác và ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu của levothyroxin.
Levothyroxin là thuốc tuyến giáp có độ dung nạp cao, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều tác dụng không mong muốn. Khi gặp các dấu hiệu dưới đây, người bệnh phải ngừng thuốc và gọi điện nhờ chuyên gia tư vấn:
- Bị nổi phát ban, khó thở, bị sưng môi/lưỡi/họng, bị sưng mặt.
- Đau ngực, khó thở, mệt mỏi cùng cực, nhịp tim không đều hoặc tăng nhịp tim, sốt, không dung nạp nhiệt, tăng huyết áp, buồn nôn.
- Mắt bị mờ hoặc nhìn đôi, chóng mặt, đau ở hông hay đầu gối, co giật hoặc nhức đầu dữ dội.
- Đau bụng, thay đổi khẩu vị, khóc, một cảm giác sảng khoái, hoang tưởng, trầm cảm, nhức đầu, rụng tóc, tăng sự thèm ăn, thay đổi tâm trạng, lo lắng, bồn chồn, nôn, mệt mỏi bất thường, tăng cân hoặc sụt cân.