Cường giáp là bệnh lý trong đó tuyến giáp sản xuất quá mức hormone. Các thuốc điều trị cường giáp hiện nay bao gồm khá nhiều loại. Mỗi nhóm lại có cơ chế tác độngvà các tác dụng không mong muốn khác nhau. Bài viết này sẽ trình bày về các nhóm thuốc điều trị cường giáp.

Quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp thyroxine (T4) có 4 giai đoạn, bao gồm:

- Gắn iodid vô cơ vào tuyến (iodid là iod dạng ion I-)

- Oxy hóa iodid thành iod tự do

- Tạo monoiodotyrosine và diiodotyrosine (MIT - DIT)

- Ghép hai iodotyrosine thành L – thyroxine – tetraiodotyrosine T4 (TIT)

Các thuốc điều trị cường giáp (còn gọi là thuốc kháng giáp trạng) được chia thành 5 nhóm: Thuốc ức chế gắn iod vào tuyến, thuốc ức chế sự tổng hợp hormone tuyến giáp, iod, iod phóng xạ và thuốc phong tỏa hệ adrenergic.

Thuốc ức chế gắn iod vào tuyến

Một số thuốc thuộc nhóm này bao gồm thiocyanate và perchlorate. Nhóm này khá độc vì có thể gây mất bạch cầu hạt nên rất hiếm khi được sử dụng trong lâm sàng.

Thuốc ức chế trực tiếp sự tổng hợp hormone tuyến giáp thyroxine: Thioamide

- Cơ chế tác dụng: Nhóm thioamide ngăn chặn sự tạo thành các phức hợp hữu cơ của iod thông qua ức chế một số enzyme tham gia vào quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp như peroxydase, các enzyme oxy hóa iod. Vì vậy, tuyến giáp không tổng hợp được monoiodotyrosine và diiodotyrosine.

Thuốc thuộc nhóm thioamidethuốc thuộc nhóm thioamide

Thuốc thuộc nhóm thioamide

- Độc tính: Khi sử dụng thuốc thuộc nhóm thioamide kéo dài sẽ khiến nồng độ thyroxine giảm mạnh, từ đó tuyến yên sẽ tăng tiết TSH. Khi TSH tăng, kích thích tuyến giáp hấp thu iod, dẫn đến tăng sinh, phù nề. Nhóm thuốc này ít gây các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số phản ứng phụ hay gặp là: Sốt, phát ban, đau khớp, nhức đầu, buồn nôn, viêm gan, viêm thận. Tai biến nặng nhất đó là giảm bạch cầu hạt (0.3 – 0.6%), thường xảy ra sau vài tháng điều trị. Vì vậy, cần kiểm tra số lượng bạch cầu định kỳ và nên dùng thuốc ngắt quãng.

- Một số thuốc thuộc nhóm này: Carbimazole, thiamazole, propyl thiouracil.

- Cách dùng: Uống thuốc làm 3 giai đoạn:

Tấn công: 3 – 6 tuần

Duy trì: 3 – 6 tháng

Củng cố: Hàng tháng

Iod

Khi nồng độ iod trong máu quá cao sẽ làm giảm tác dụng của hormone TSH theo cơ chế feedback ngược, làm giảm sự giải phóng hormone của tuyến giáp.

- Chỉ định: Chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật tuyến giáp hoặc kết hợp với các thuốc kháng giáp trạng và thuốc chẹn beta trong điều trị cường giáp.

- Độc tính: Thường ít và hồi phục khi dừng thuốc. Một số tác dụng không mong muốn như: Mọc mụn trứng cá, sưng tuyến nước bọt, loét niêm mạc,…

Iod phóng xạ

I – 131, có tác dụng phá hủy một phần các tế bào của tuyến giáp, từ đó gây suy giảm chức năng, dẫn đến không sản xuất thêm hormone.

Thuốc phong tỏa hệ adrenergic

- Tác dụng: Giảm các triệu chứng của cường giáp trên hệ tim mạch như nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, lo lắng, căng thẳng.

- Thuốc hay sử dụng là propranolol