Suy giáp là một trong những rối loạn phổ biến, xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone cho cơ thể. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, suy giáp sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Vậy suy giáp nguyên nhân do đâu? Phương pháp điều trị hiệu quả bệnh suy giáp hiện nay là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.

Dấu hiệu của suy giáp là gì?

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Phụ nữ, đặc biệt là những người khoảng từ 20 – 40 tuổi có khả năng cao mắc phải bệnh lý này. Suy giáp ít khi gây ra các triệu chứng ở giai đoạn đầu, nhưng theo thời gian, nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như: Béo phì, đau khớp, vô sinh và bệnh tim. Dấu hiệu của suy giáp bao gồm:

- Cảm thấy mệt mỏi: Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh suy giáp là cảm giác mệt mỏi. Bởi hormone tuyến giáp kiểm soát cân bằng năng lượng, quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể.

- Hay bị táo bón: Nếu bị suy giảm tuyến giáp thì bạn sẽ gặp phải triệu chứng táo bón diễn ra thường xuyên.

- Tăng cân: Người mắc bệnh suy giảm tuyến giáp thường có hormone tuyến giáp bị sụt giảm nên làm chậm quá trình trao đổi chất và giảm khả năng đốt cháy calories dư thừa. Điều này cũng khiến người bị suy giáp tăng cân đột ngột mất kiểm soát và còn dễ dẫn đến nguy cơ béo phì. Trong một nghiên cứu cho thấy, những người bị suy giáp mới được chẩn đoán đã tăng trung bình 7 - 14kg trong một năm kể từ khi phát hiện bệnh.

- Cảm thấy lạnh: Hormone tuyến giáp thấp làm chậm quá trình sản sinh nhiệt bình thường của cơ thể, khiến người bệnh thường cảm thấy bị lạnh.

- Tóc rụng: Khi bị suy giáp, lượng hormone tuyến giáp giảm xuống, điều này gây gián đoạn chu kỳ tăng trưởng của tóc, khiến nhiều nang tóc không phát triển và hậu quả chính là tình trạng tóc khô, rụng tóc, hói đầu tìm tới.

- Yếu cơ: Nồng độ hormone tuyến giáp thấp làm chậm quá trình trao đổi chất và có thể khiến đau cơ bắp.

- Khó thụ thai: Nồng độ hormone tuyến giáp thấp có thể cản trở sự rụng trứng và làm suy yếu khả năng sinh sản. Trong trường hợp này, phương án điều trị suy giáp bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp có thể sẽ không hoàn toàn phục hồi được khả năng sinh sản mà phải cần đến các biện pháp can thiệp khác.

Dấu hiệu điển hình của suy giáp

Dấu hiệu điển hình của suy giáp

Nguyên nhân gây suy giáp do đâu?

Suy giáp xảy ra khi hệ miễn dịch bị rối loạn, suy yếu và sản sinh ra kháng thể tự sinh nhận diện nhầm những tế bào bị tổn thương của mô tuyến giáp (do nhiễm khuẩn, do yếu tố môi trường,…) là vật thể ngoại lai và tấn công, phá hủy chúng, làm suy giảm chức năng tổng hợp hormone, phần còn lại phải hoạt động bù trừ.

Bên cạnh đó, chế độ ăn thiếu iod cũng là một trong những nguyên nhân gây suy giáp. Iod là nguyên tố vi lượng không thể thiếu trong việc tổng hợp các hormone tuyến giáp. Do đó, nếu cơ thể thiếu hụt iod, tuyến giáp sẽ sinh ra phản ứng tự nhiên là bắt giữ iod có trong máu nhằm tổng hợp lượng hormone còn thiếu. Theo đó, tuyến giáp sẽ tự động to ra để lưu trữ được nhiều iod nhất có thể. Tuy nhiên, sự bắt giữ iod của tuyến giáp lại khiến cho các tế bào, mô và cơ quan bị thiếu hụt iod, dẫn đến những biểu hiện toàn thân như: Chậm phát triển trí tuệ, kém linh hoạt, khuyết tật về thần kinh, suy giảm hoạt động chức năng hệ thần kinh, tâm thần,...

>>> XEM THÊM: Điều gì sẽ xảy ra nếu suy giáp không được điều trị?

Biến chứng của bệnh suy giáp

Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, hội chứng suy giáp có thể tiến triển xấu và gây ra vô số biến chứng như:

Bướu cổ

Khi tuyến giáp cố gắng tạo ra đủ lượng hormone để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, sự kích thích quá mức sẽ khiến tuyến nội tiết này phình to, dẫn đến bướu cổ, ảnh hưởng đến việc ăn uống, gây mất thẩm mỹ.

Các biến chứng trong thai kỳ

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, hormone tuyến giáp thiếu hụt trong thời kỳ mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai và một số biến chứng nghiêm trọng khác như tiền sản giật hoặc sinh non.

Dị tật bẩm sinh

Hormone tuyến giáp rất quan trọng trong quá trình phát triển của não bộ. Vì vậy, trẻ sinh ra từ những người mẹ bị suy tuyến giáp trạng mà không được điều trị có thể gặp phải các nguy cơ như: Thiểu năng, chậm phát triển về thể chất,… Tuy nhiên, nếu những vấn đề này được phát hiện và giải quyết ngay sau khi sinh, đứa trẻ có thể phát triển hoàn toàn khỏe mạnh.

Gây vô sinh

Nồng độ hormone tuyến giáp suy giảm làm cản trở sự rụng trứng, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây suy giáp như rối loạn tự miễn dịch cũng làm suy yếu khả năng sinh sản.

Bệnh tim mạch

Suy giáp cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về tim mạch do hàm lượng lipoprotein tỷ trọng thấp – vốn là các cholesterol "xấu" (LDL-Cholesterol) – sẽ tăng cao khi tuyến giáp hoạt động kém. Việc có quá nhiều cholesterol xấu dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ não.

Tình trạng suy tuyến giáp trạng cũng có thể khiến dịch tích tụ xung quanh tim, làm tăng nguy cơ tràn dịch màng ngoài tim, khiến việc bơm máu trở nên khó khăn.

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần

Suy giáp không được điều trị sẽ gây ra các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần, khiến người mắc có thể bị trầm cảm. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, các triệu chứng suy giáp sẽ có nguy cơ tiến triển xấu. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái tinh thần của bệnh nhân, khiến chứng trầm cảm trở nên nặng hơn.

Trí nhớ giảm sút

Sự thay đổi của các hormone trong cơ thể khiến cho trí nhớ của bệnh nhân bị giảm sút. Đây là biến chứng khá nguy hại, hội chứng suy giáp kéo dài sẽ làm người mắc bị lú lẫn, thần kinh không còn tỉnh táo để thực hiện các sinh hoạt hàng ngày.

Chứng phù niêm

Đây là biến chứng xảy ra do tình trạng suy giáp kéo dài mà không được chẩn đoán và điều trị sớm. Biểu hiện đặc trưng là thân nhiệt không ổn định, khả năng chịu lạnh kém, hay cảm giác buồn ngủ, sau đó hôn mê sâu và mất tri giác.

Tình trạng hôn mê do biến chứng phù niêm xảy ra có thể là do thuốc giảm đau, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý khác. Nếu phát hiện ra các triệu chứng nguy hiểm trên thì nên đến ngay bệnh viện để được chữa trị khẩn cấp.

Cách điều trị bệnh suy giáp hiện nay là gì?

Nhiều người thắc mắc: Cách chữa bệnh suy giáp thực hiện như thế nào? Thông thường, những bệnh nhân bị suy giáp phải bổ sung hormone thay thế levothyroxin đều đặn mỗi ngày để tuyến giáp được ổn định và phải uống suốt đời. Tùy vào tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp của mỗi người mà bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để đưa ra liều dùng phù hợp nhất.

Nếu không được điều trị sớm, tình trạng suy giáp sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại, biến chứng nặng nề trên nhiều cơ quan, trong đó có bệnh tim mạch, xơ vữa mạch máu, suy tim và có thể không còn khả năng phục hồi. Chuyên gia nội tiết cho biết, suy giáp thường phải điều trị suốt đời, do vậy, người mắc không được tự ý ngưng thuốc khi thấy cơ thể đã khỏe hơn, trừ khi được bác sĩ đồng ý. Bên cạnh đó, bạn vẫn nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh để cơ thể được khỏe hơn như: Tập thể dục thường xuyên, xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp, đi ngủ và ăn uống điều độ, đúng giờ. Ngoài ra, việc bổ sung các sản phẩm thảo dược để hỗ trợ điều trị suy giáp cũng là biện pháp được giới chuyên gia khuyên người mắc nên áp dụng, bởi tính an toàn của các thảo dược sẽ giúp ổn định bệnh lâu dài mà không gây tác dụng phụ.