Suy giáp là một trong những bệnh lý tuyến giáp thường gặp và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống hàng ngày của người mắc. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chứng suy giáp không được điều trị đúng cách? Để giải đáp cho vấn đề này, mời các bạn cùng theo dõi thông tin sau đây.

Suy giáp là bệnh gì?

Suy giáp (nhược giáp, giảm chức năng tuyến giáp) là một dạng bệnh nội tiết, xảy ra do rối loạn chức năng tuyến giáp dẫn đến không sản sinh đủ hormone T3, T4 cần thiết cho quá trình kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể. Biểu hiện có thể xảy ra là hạ canxi máu, ảnh hưởng đến hoạt động của tim, hệ thần kinh và điều tiết nhiệt lượng cơ thể,…

Điều gì sẽ xảy ra nếu suy giáp không được điều trị?

Có rất nhiều yếu tố gây suy giảm chức năng tuyến giáp như: Thiếu hụt iod trong chế độ ăn, tác dụng thuốc điều trị cường giáp, phẫu thuật tuyến giáp,… Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho tuyến giáp suy giảm chức năng là viêm tuyến giáp Hashimoto - một rối loạn tự miễn trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào tuyến giáp. Nếu không có biện pháp khắc phục đúng cách, người bị suy giáp có nguy cơ sẽ phải đối diện với nhiều hệ lụy như:

Vùng cổ sưng to gây mất thẩm mỹ

Khi hormone bị thiếu hụt sẽ khiến cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể chậm lại và báo hiệu đến tuyến yên ở vùng dưới đồi giải phóng hormone TSH kích thích tuyến giáp sản xuất hormone để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, do hoạt động quá nhiều nên tuyến giáp “phình” ra, hình thành nên bướu ở cổ.

Đặc biệt, đối với trường hợp suy giáp có nguyên nhân do bệnh hashimoto thì bạn có thể nhận thấy khối bướu cổ lệch về một bên, điều này là bởi trong bệnh hashimoto, hệ miễn dịch suy yếu, dẫn đến hoạt động rối loạn nên nhận nhầm mô, tế bào lành của tuyến giáp là tác nhân gây hại và sản sinh ra kháng thể tự sinh tấn công tuyến giáp. Và để đảm bảo quá trình chuyển hóa của cơ thể diễn ra bình thường, phần còn lại của tuyến giáp phải làm việc nhiều hơn, “gánh” cho những tế bào đã bị tổn thương. Do đó, bướu cổ suy giáp trong trường hợp này thường có biểu hiện lệch về một bên, đó là vùng tuyến giáp còn lại hoạt động quá năng suất. 

Tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch

Hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua gan. Nồng độ hormone tuyến giáp thấp có nghĩa là gan phải “vật lộn” để thực hiện chức năng này và khiến cho nồng độ cholesterol “xấu” trong máu tăng lên. Những chất này có thể góp phần tích tụ mỡ trên niêm mạc động mạch, được gọi là xơ vữa động mạch – đây là nguyên nhân gây nên thiếu máu cục bộ cơ tim, các cơn đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại biên, phình động mạch chủ bụng,...

Nguy cơ vô sinh

Khi tuyến giáp không tạo ra đủ hormone 3 và T4 thì sẽ khiến cho cơ quan sinh dục và hệ sinh sản luôn ở trong tình trạng bị đói vì thiếu dưỡng chất, thiếu oxy. Ở nữ giới, trứng sẽ chậm phát triển, chất lượng trứng cũng kém đi. Còn đối với nam giới thì giảm sản xuất tinh trùng.

Một nghiên cứu được xuất bản tháng 8 năm 2015 trên tạp chí Journal of Pregnancy chỉ ra rằng, phụ nữ bị suy giáp sẽ ít có khả năng mang thai hơn và sẽ cần nhiều thời gian để mang hơn so với những phụ nữ không bị suy giáp. Đó là bởi phụ nữ bị suy giáp có thể sẽ không rụng trứng, hoặc rụng trứng không thường xuyên, mà để mang thai được thì bạn cần phải rụng trứng.

Theo một nghiên cứu tháng 11 năm 2013 trên Frontiers in Endocrinology, mặc dù suy giáp ít phổ biến ở nam giới hơn, nhưng những nam giới bị suy giáp cũng sẽ có ham muốn tình dục thấp và có số lượng tinh trùng ít hơn, yếu hơn và dị dạng hơn.

Ngoài ra, suy giáp còn khiến cả nam giới và phụ nữ luôn cảm thấy mệt mỏi. Một khi bạn cảm thấy mệt mỏi, tất nhiên bạn sẽ không muốn quan hệ nữa. Và khi bạn không quan hệ thường xuyên, khả năng thụ thai cũng sẽ giảm đi.

Bệnh thận

Trong một công bố vào tháng 2 năm 2018 trên tạp chí Scientific Reports, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ các cuộc kiểm tra sức khỏe tự nguyện trên phạm vi rộng được thực hiện trên người lớn Đài Loan, phát hiện ra rằng những người bị suy giáp có nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính cao hơn 2,41 so với những người có chức năng tuyến giáp bình thường.

Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Suy giáp không được kiểm soát có thể gây giữ nước, tạo áp lực khiến cho các dây thần kinh ngoại biên tổn thương. Người mắc thường có biểu hiện đau, tê hoặc ngứa ran ở tay, chân và cũng có thể bao gồm yếu cơ hay mất một phần kiểm soát cơ.