Bệnh basedow có nguy hiểm không? Đó là băn khoăn của rất nhiều người khi được chẩn đoán mắc phải tình trạng này. Basedow là nguyên nhân chính gây cường giáp, thường xảy ra ở phụ nữ từ 20 – 40 tuổi. Nếu bạn cũng đang lo lắng về các biến chứng mà bệnh basedow có thể gây ra, hãy cùng tìm hiểu thông tin trong nội dung bài viết sau đây.

Bệnh Basedow là gì?

Basedow là một trong những bệnh lý cường giáp thường gặp trên lâm sàng với các biểu hiện chính: Nhiễm độc giáp kèm bướu giáp lớn lan tỏa, lồi mắt và tổn thương ở ngoại biên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn xuất hiện ở độ tuổi từ 20 – 40. Ở Việt Nam thường gặp nhiều nhất ở tuổi 20 – 30 (chiếm tỉ lệ cao 31,8%), phụ nữ có tỉ lệ mắc cao hơn rất nhiều so với nam giới.

Basedow có bản chất là rối loạn hệ miễn dịch. Bình thường, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách sản xuất kháng thể để chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vào như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, các kháng thể này cũng có thể phản ứng với protein trên bề mặt tuyến giáp, dẫn đến sự sản xuất quá mức các hormone tuyến giáp. Bệnh gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến mắt, trong đó có hiện tượng lồi mắt. Đồng thời, còn gây hại đến hệ cơ quan khác như da, tim mạch, tuần hoàn và thần kinh.

Hiện nay, vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh basedow, tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra một số yếu tố có liên quan như:

- Di truyền: Theo thống kê, khoảng 15% người bệnh có họ hàng với nhau cùng bị bệnh và 50% họ hàng các bệnh nhân có kháng thể kháng tuyến giáp.

- Giới tính: Nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 5 - 10 lần so với nam giới.

- Độ tuổi: Đa số những người mắc bệnh chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20 - 40.

Ngoài ra, một số yếu tố được cho là nguyên nhân khởi động đáp ứng miễn dịch của bệnh Basedow là: Phụ nữ mang thai, đặc biệt là thời kỳ sau khi sinh; nhiễm vi khuẩn hoặc virus; căng thẳng, stress kéo dài hoặc do Adenoma tuyến yên tiết TSH (thyroid stimulating hormone).

>>> XEM THÊM: Điểm mặt 3 loại viêm tuyến giáp thường gặp

Bệnh Basedow có nguy hiểm không?

Bệnh Basedow có nguy hiểm không? Đó là băn khoăn của rất nhiều người khi được chẩn đoán mắc phải tình trạng này hoặc có người nhà bị bệnh. Bệnh basedow không gây nguy hiểm ngay đến tính mạng của người mắc, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số biến chứng của bệnh basedow:

Cơn cường giáp cấp

Cơn cường giáp cấp (hay cơn bão giáp trạng) là một cấp cứu y khoa rất nặng, tỷ lệ tử vong cao. Biến chứng này thường xảy ra đột ngột ở những người bị cường giáp nhưng không được điều trị kịp thời hoặc điều trị nhưng không đầy đủ.

Lồi mắt ác tính

Bệnh basedow gây lồi mắt nặng, tiến triển nhanh làm bệnh nhân có cảm giác nhức mắt, như có cát trong mắt, luôn chảy nước mắt, sợ ánh sáng, tăng áp lực nhãn cầu, phù mi mắt, lan ra xung quanh, mắt đỏ kết mạc xung huyết, có thể liệt cơ vận nhãn, mắt nhắm không kín, giác mạc bị khô, từ đó dẫn đến nhiễm trùng, gây loét và dẫn đến mù.

Không chỉ vậy, người mắc có thể bị teo thần kinh thị giác, viêm thần kinh thị giác, cũng có thể dẫn đến mù. Lồi mắt ác tính gặp ở 0,69% các trường hợp.

Biến chứng tim mạch

Nếu không được điều trị, bệnh basedow có thể sẽ dẫn đến các biến chứng tim mạch, làm rối loạn nhịp tim và những thay đổi trong cấu trúc, chức năng của cơ tim, tim sẽ không bơm đủ máu đến cơ thể, với các biểu hiện:

- Cơn nhịp nhanh: 10,08%

- Block nhĩ thất: 14,08%

- Ngoại tâm thu thất: 7,05%

- Rung nhĩ: 45,07%

- Suy tim: 19,72%

- Cơn nhịp nhanh: Thường là nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh trên thất ít gặp

- Rung nhĩ: Là biến chứng thường gặp (45,07%) trong nhiễm độc giáp, thường có đặc điểm: Lúc đầu chỉ là cơn kịch phát ngắn, sau đó tái phát nhiều lần và trở thành thường xuyên. Rung nhĩ trong cường giáp có thể có huyết khối và dẫn đến tắc mạch. Rung nhĩ trong cường giáp thường kém đáp ứng với các thuốc trợ tim.

- Suy tim (19,72%): Thường là suy tim toàn bộ và là dạng tăng cung lượng, các triệu chứng suy tim thường ít điển hình trong giai đoạn đầu. Khi suy tim toàn bộ thì triệu chứng lâm sàng giống như suy tim do các nguyên nhân khác. Một điểm khác đó là suy tim trong basedow vẫn có biểu hiện hội chứng tim tăng động.

- Suy vành: Tăng cung lượng tim kéo dài dẫn tới tim phì đại, đặc biệt là thất trái, tăng công của cơ tim sẽ làm tăng nhu cầu oxy, làm dự trữ vành kém, đặc biệt ở trường hợp cao tuổi hoặc vữa xơ mạch vành, hẹp lòng mạch, cơn đau thắt ngực. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi bệnh trở về bình giáp thì cơn đau ngực sẽ hết, nhồi máu cơ tim do basedow hiếm gặp.

Gây giòn xương

Sức mạnh của xương phụ thuộc một phần vào lượng canxi và các khoáng chất có trong cơ thể. Do đó, việc lượng hormon tuyến giáp quá nhiều sẽ làm cản trở việc hấp thu canxi vào xương, đây cũng chính là lý do dẫn đến biến chứng giòn xương ở bệnh nhân basedow.

Vấn đề khi mang thai

Bệnh basedow có thể gây ảnh hưởng xấu trong quá trình mang thai như: Sẩy thai, sinh non, rối loạn chức năng tuyến giáp của thai hoặc thai chậm phát triển, thai phụ bị suy tim và tiền sản giật,...

>>> XEM THÊM: Các loại thuốc điều trị cường giáp hiện nay