Cường giáp là bệnh lý trong đó tuyến giáp sản xuất quá mức hormone. Thuốc điều trị cường giáp thường được dùng cho người bệnh để giảm nhẹ triệu chứng. Carbimazol là một thuốc thuộc nhóm thuốc kháng giáp được dùng trên lâm sàng. Mời các bạn cùng tìm hiểu về cơ chế tác dụng, phản ứng phụ cũng như liều lượng và cách dùng thuốc carbimazol trong bài viết sau đây.

Carbimazol là một thuốc kháng giáp thuộc dẫn chất của thioimidazol. Khi vào cơ thể theo đường uống, carbimazol sẽ ức chế tổng hợp hormone tuyến giáp thông qua ngăn cản iod gắn vào gốc tyrosyl của thyroglobulin và ức chế sự kết hợp hai gốc iodotyrosyl thành iodothyronin. Thuốc không ức chế tác dụng của hormone tuyến giáp đã hình thành trước đó hoặc có trong máu, đồng thời không ức chế giải phóng hormone tuyến giáp. Carbimazol cũng không ảnh hưởng đến thuốc hormone đưa từ ngoài vào. Do đó, thuốc sẽ không có tác dụng trong nhiễm độc do dùng quá liều hormone tuyến giáp. 

Carbimazol được dùng trong những trường hợp nào?

Thuốc được sử dụng chủ yếu để giảm triệu chứng của cường giáp, bệnh Basedow. Carbimazol sẽ giúp giảm triệu chứng của cường giáp, không tác động vào nguyên nhân gây bệnh, nên chỉ được dùng trong một thời gian ngắn. Nếu dùng thuốc lâu dài hoặc liều cao sẽ gây suy giảm chức năng tuyến giáp.

Ngoài ra, carbimazol còn dùng trong những mục đích như:

- Điều trị trước khi phẫu thuật tuyến giáp do cường giáp, cho tới khi chuyển hóa cơ bản bình thường. Ngoài ra, carbimazol còn được dùng để phòng ngừa cơn nhiễm độc giáp khi cắt bỏ tuyến giáp bán phần.

- Dùng bổ trợ trước và trong khi điều trị bằng iod phóng xạ (I - 131)

- Điều trị cơn nhiễm độc giáp trước khi dùng liệu pháp iodid (tuy nhiên, propylthiouracil hay được sử dụng hơn). Carbimazol thường được chỉ định đồng thời với một thuốc chẹn beta, đặc biệt khi có các triệu chứng tim mạch (như nhịp tim nhanh, tăng huyết áp).

Liều lượng và cách dùng carbimazol

Thuốc điều trị cường giáp carbimazol có thể dùng được cho cả người lớn và trẻ em bị bệnh. Liều lượng và cách dùng như sau:

Người lớn:

Liều khởi đầu tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Thông thường, với người lớn có thể dùng liều carbimazol từ 15 – 40 mg/ngày, tối đa 60mg, tùy theo tình trạng nặng nhẹ của bệnh cường giáp. Mức liều này có thể được chia thành 3 lần uống, cách nhau 8 giờ vào bữa ăn.

Người bệnh sẽ cảm thấy các triệu chứng của cường giáp cải thiện sau 1 – 3 tuần và chức năng tuyến giáp cũng trở lại bình thường sau 1 – 2 tháng. Khi hoạt động của tuyến giáp trở về bình thường thì giảm liều dần, cho đến liều thấp nhất mà vẫn giữ nguyên được chức năng tuyến giáp bình thường. Thông thường, liều duy trì là 5 – 15 mg mỗi ngày tùy theo người bệnh. Khi điều chỉnh liều, người bệnh cần chú ý: Nếu dùng liều duy trì quá thấp, cường giáp lại xuất hiện và tiến triển nặng lên. Nếu liều duy trì cao quá, sẽ làm giảm chức năng tuyến giáp, gây tăng TSH, dẫn tới bướu cổ. Một liệu trình dùng carbimazol thường là 12 – 18 tháng.

Trẻ em dưới 18 tuổi

Trẻ sơ sinh cho đến 12 tháng tuổi có thể dùng liều khởi đầu 0.25 mg/kg mỗi lần, ngày 3 lần. Trẻ từ 12 – 18 tuổi có thể dùng liều khởi đầu 10 mg mỗi lần, ngày 3 lần. Sau đó điều chỉnh liều tùy theo đáp ứng lâm sàng, có thể dùng liều cao hơn trong trường hợp nhiễm độc giáp nặng. Sau một thời gian điều trị, khi thấy các biểu hiện lâm sàng thuyên giảm, cần xét nghiệm định lượng nồng độ hormone tuyến giáp. Nếu thấy tuyến giáp trở về bình thường, người bệnh có thể ngừng thuốc. Nhưng khi bị tái phát cường giáp, cần phải dùng carbimazol trở lại hoặc điều trị bằng phương pháp khác (phẫu thuật, iod phóng xạ).

Carbimazol có thể gây ra các tác dụng phụ nào?

Khoảng 2 – 14% người mắc cường giáp gặp các tác dụng phụ khi sử dụng carbimazol. Tùy vào liều dùng mà các phản ứng phụ nặng hay nhẹ, thường gặp trong 6 – 8 tuần đầu tiên.

Tác dụng không mong muốn thường gặp

Da: Dị ứng, ban da, ngứa (2 – 4%)

Tiêu hóa: Buồn nôn, rối loạn tiêu hóa

Máu: Giảm bạch cầu

Toàn thân: Nhức đầu, sốt vừa và thoáng qua

Tác dụng không mong muốn ít gặp

Có xương khớp: Đau khớp, viêm khớp, đau cơ

Máu: Suy tủy, mất bạch cầu hạt với biểu hiện sốt nặng, ớn lạnh, nhiễm khuẩn họng, ho, đau miệng, giọng khàn. Phản ứng phụ của carbimazol đối với hệ máu thường xảy ra ở người cao tuổi hoặc dùng liều quá cao.

Da: Rụng tóc, hội chứng lupus ban đỏ.

Tác dụng không mong muốn hiếm gặp

Thận: Viêm cầu thận

Gan: Vàng da ứ mật, viêm gan

Toàn thân: Sốt nhẹ, mất vị giác, nhức đầu, ù tai, giảm khả năng nghe

Tuyến giáp: Bướu cổ, suy giáp

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần xử trí như thế nào?

Khi sử dụng carbimazol mà thấy đau họng, nhiễm khuẩn, nổi ban da, sốt, ớn lạnh, người bệnh nên đến khám bác sĩ ngay. Nếu bị mất bạch cầu hạt, suy tủy, người bệnh phải ngừng điều trị để chăm sóc, cải thiện các triệu chứng và có thể phải truyền máu.

Vàng da, ứ mật, viêm gan thường hiếm gặp, tuy nhiên nếu xảy ra phải dừng thuốc ngay, vì nguy cơ tử vong rất cao.

Nếu trong quá trình dùng carbimazol thấy đau cơ nhiều, người bệnh nên đi xét nghiệm chỉ số creatinin phosphokinase. Khi chỉ số này tăng quá cao, cần giảm liều hoặc ngừng thuốc.

Thuốc có thể gây độc cho tai. Nếu thấy giảm khả năng nghe, phải ngừng ngay carbimazol. Với trường hợp này, bác sĩ có thể cho người bệnh đổi sang thuốc kháng giáp loại khác như propylthiouracil.

Nếu thấy ban ngứa, dị ứng, người bệnh có thể khắc phục bằng cách dùng thuốc kháng histamin mà không phải ngừng carbimazol. Có thể thay carbimazol bằng thuốc kháng giáp nhóm khác.