Cường giáp là tình trạng trong đó tuyến giáp sản xuất quá mức hormone, dẫn đến các triệu chứng của sự tăng chuyển hóa. Vậy các thuốc điều trị cường giáp hiện nay là gì? Bài viết này sẽ trình bày về các thuốc điều trị cường giáp hay được chỉ định hiện nay.

Các thuốc điều trị cường giáp hiện nay

Cường giáp là một bệnh lý của tuyến giáp, trong đó các phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc và phẫu thuật. Dưới đây bài viết sẽ liệt kê các thuốc điều trị cường giáp hay được sử dụng hiện nay:

Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta thường được dùng để làm giảm các triệu chứng của cường giáp như nhịp tim nhanh, run tay, vã mồ hôi và lo âu. Propranolol là thuốc chẹn beta hay được sử dụng trong điều trị cơn bão giáp. Nó không ảnh hưởng lên quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Liều điều trị thường bắt đầu từ 10 mg đường uống rồi tăng dần liều cho tới khi đạt hiệu quả, thường ở liều 20 mg x 4 lần/ngày. Propranolol ở dạng tác dụng kéo dài có hiệu quả làm giảm các triệu chứng một cách ổn định hơn dạng tác dụng ngắn.

 Thuốc chẹn beta có thể được sử dụng trong điều trị cường giáp

Thuốc chẹn beta có thể được sử dụng trong điều trị cường giáp

Các thuốc thiourea:

Các thuốc thiourea như methimazole hoặc propylthiouracil thường được dùng để điều trị cho các bệnh nhân trẻ hoặc bệnh nhân nhiễm độc giáp nhẹ, bướu giáp kích thước nhỏ hoặc những người không sử dụng được liệu pháp iod phóng xạ. Nguy cơ bị suy giáp sau điều trị thấp hơn so với điều trị bằng phẫu thuật hoặc iod phóng xạ do thuốc không gây phá hủy tuyến giáp vĩnh viễn, tuy nhiên tỷ lệ tái phát lại cao hơn (khoảng 50%) sau ngừng điều trị một năm trở lên.

Một số tác dụng phụ của loại thuốc này đó là mất bạch cầu hạt (hiếm khi xảy ra), ngứa, viêm da dị ứng, buồn nôn, chán ăn, suy giáp tiên phát. Do vậy bệnh nhân cần được theo dõi sát sao về lâm sàng và nồng độ thyroxine tự do (FT4) trong máu. Suy giáp tiến triển kéo dài thường làm bướu giáp to nhanh. Đôi khi bướu cổ có thể to rất nhiều nhưng thường sẽ nhỏ đi nhanh khi được điều trị bằng hormone giáp.

Các chất gây cản quang chứa iod:

Các chất này có tác dụng điều trị nhiễm độc giáp do bất cứ nguyên nhân nào. Với các bệnh nhân bị cường giáp, bác sĩ thường chỉ định methimazole trước để ức chế sự hữu cơ hóa iod, sau đó mới kê đơn các chất cản quang chứa iod như acid iopanoic hoặc natri ipodate. Đây được coi là liệu pháp tối ưu cho những người bị cường giáp mà không dung nạp thiourea và trẻ sơ sinh bị nhiễm độc giáp. Thời gian điều trị có thể kéo dài trên 8 tháng.

lod phóng xạ 131I:

Liệu pháp iod phóng xạ là phương pháp tối ưu giúp phá hủy các mô tuyến giáp hoạt động quá mức (trong cả trường hợp lan tỏa hoặc bướu nhân đơn độc). Nguy cơ lớn nhất của phương pháp này đó là có thể gây ra dị tật bẩm sinh. Vì vậy, liệu pháp iod phóng xạ không chỉ định cho phụ nữ có thai.

Tuy nhiên, suy giáp cũng thường xảy ra sau điều trị nội khoa hoặc sau phẫu thuật và thậm chí suy giáp có khi còn là một phần trong tiến triển tự nhiên của bệnh. Do đó cần phải theo dõi nồng độ T4 tự do và TSH trong quá trình điều trị.

Một nghiên cứu dài hạn gần đây về các bệnh nhân cường giáp được điều trị 131I thấy nguy cơ tử vong tăng có liên quan đến bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc gãy xương, nguyên nhân do bản thân tình trạng nhiễm độc giáp hơn là do phương pháp điều trị được lựa chọn.