Bệnh bướu cổ là bệnh tăng thể tích tuyến giáp làm chèn ép đường thở, tuy nhiên triệu chứng bệnh bướu cổ lại dễ nhầm lẫn với bệnh khác có dấu hiệu khó thở như ung thư thất, các khối u cạnh khí quản...Vì vậy khi có các triệu chứng trên chúng ta không nên bỏ qua mà nên đi khám sức khỏe để được điều tri kịp thời.

Trong tất cả những nguyên nhân gây khó thở do chèn ép đường thở hay gặp như: ung trung thất, các khối u cạnh khí quản, bướu giáp… một nguyên nhân hay gặp nhưng cũng ít được chú ý nhất là bướu giáp. Khi nói đến bướu giáp, ngay cả người bệnh và thầy thuốc đều sợ biến chứng cường giáp và hóa ác, ít người chú ý đến khả năng lớn nhanh của bướu nhất là những bướu giáp ở vùng dịch tễ và những vùng thiếu iod trong khẩu phần ăn hàng ngày. Một số trường hợp khác, bệnh nhân bị bướu giáp thể nang và một ngày nào đó, nang bị xuất huyết có thể do chấn thương hay động tác chọc hút của thầy thuốc, bướu giáp to rất nhanh, chỉ trong một ngày có thể lớn với đường kính trên 10cm và chèn ép vào khí quản gây khó thở.

Tuyến giáp bình thường cân nặng vào khoảng 30g, khi phát triển thành bướu nó tăng khối lượng lên rất nhiều. Có những trường hợp lên đến 400 - 500g, tuy nhiên sự chèn ép của bướu giáp vào khí quản và gây khó thở không chỉ phụ thuộc vào khối lượng của bướu mà còn theo vị trí, do khoang trung thất trước khá hẹp nên các bướu giáp thòng dù khối lượng nhỏ cũng dễ dàng gây chèn ép, những bướu giáp phát triển lên trên và ra trước cổ thường ít chèn ép hơn và cũng dễ phát hiện hơn.

Khi chèn ép vào khí quản, trong thời kỳ đầu bướu giáp thường gây khó thở khí gắng sức về sau khó thở liên tục, thở vào chậm và khò khè giống như một bệnh nhân hen phế quản. Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt với khó thở chức năng trong những trường hợp loạn cảm thành họng do viêm xoang sàng hoặc viêm họng mạn tính là triệu chứng rất hay gặp ở phòng khám. Bệnh nhân hay than với chúng tôi có cảm giác vướng, nuốt nghẹn khó thở ở vùng cổ và yêu cầu khám xem có bướu chìm phía sau hay không?

Công việc điều trị theo chuyên khoa cũng không phải là khó khăn lắm. Thời gian trước những năm 1970, khi mà trình độ gây mê, hồi sức và kỹ thuật mổ chưa được hoàn thiện, các bác sĩ rất ngại khi mổ cho những bệnh nhân trên vì tỉ lệ tử vong và biến chứng cao. Ngày nay, với sự tiến bộ của gây mê hồi sức và những cải tiến trong kỹ thuật mổ cũng như săn sóc sau mổ, công việc phẫu thuật cho bệnh nhân diễn ra tương đối thuận lợi. Với một số bệnh viện tuyến tỉnh, nếu được trang bị tốt cũng có thể mổ cho bệnh nhân được. Trong điều trị loại bệnh lý này bằng phẫu thuật, người ta chia làm hai loại: mổ cấp cứu và mổ theo chương trình.

Mổ cấp cứu: được thực hiện khi bệnh nhân bị khó thở cấp, thông thường do ung thư tuyến giáp ăn lan vào khí quản hoặc bướu giáp thể nang có xuất huyết bên trong lớn nhanh gây chèn ép… Tuy nhiên do phải phẫu thuật trong tình trạng cấp, nên kết quả thường hạn chế, phẫu thuật hay được áp dụng: mở khí quản khai thông đường thở, cắt toàn bộ bướu giáp hay phẫu thuật làm sạch trong trường hợp ung thư tuyến giáp ở giai đoạn muộn và bệnh nhân đến trễ. Nguyên nhân, tại nước ta do việc giáo dục kiến thức y học còn hạn chế, nhiều bệnh nhân do kinh tế kém nên ngại đi khám và chữa bệnh… nên  khi khó thở nhiều mới đến điều trị và thường là đã quá muộn để có thể điều trị triệt để cho bệnh nhân.

Mổ theo chương trình: phần nhiều là các trường hợp bướu giáp thòng trung thất, với loại bướu này việc chẩn đoán nếu không phải chuyên khoa hoặc bác sĩ không chú ý cũng dễ bị bỏ sót. Một bệnh nhân nữ 69 tuổi, quê ở Vũng Tàu, hai năm nay bệnh nhân đã đi rất nhiều cơ sở y tế để điều trị khó thở do bệnh phổi và đã chụp cũng khá nhiều phim phổi, nhưng bệnh không đỡ. Lần cuối có một người quen giới thiệu vào BV. Nhân Dân Gia Định, trên phim phổi nghiêng các bác sĩ trong buổi hội chẩn thấy có một bóng mờ ở vùng trung thất trên đẩy lệch khí quản qua bên trái. Bệnh nhân được chẩn đoán bướu giáp thòng xuống trung thất và chèn ép khí quản. Kết quả sau mổ, bệnh nhân hết khó thở sau khi lấy đi hai thùy tuyến giáp cân nặng khoảng 400g. Một chỉ định khác là ung thư tuyến giáp chèn ép vào khí quản, phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo hạch cổ hai bên và xạ trị với iode 131 bổ sung đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân. Với việc chuẩn bị bệnh nhân kỹ càng, có sự tham gia của nhiều chuyên khoa như: nội tiết, tim mạch, gây mê hồi sức… việc mổ theo chương trình thường cho kết quả tốt và triệt để.