So với bướu cổ đơn thuần và nhiễm độc giáp, căn bệnh này ít được biết đến hơn nên dễ bị bỏ qua. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây suy giáp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống bệnh nhân, nhất là với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp có thể là vi khuẩn, virus, thuốc hoặc do miễn dịch... Bệnh có thể gây suy giáp, cường giáp (nhiễm độc giáp) hoặc cả hai. Có nhiều loại viêm tuyến giáp, phổ biến là:
Viêm tuyến giáp mạn tính
Còn gọi là bệnh Hashimoto (tên vị bác sĩ người Nhật phát hiện ra căn bệnh này). Đây là loại viêm tuyến giáp phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây suy giáp; là hậu quả rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch. Thông thường, hệ thống miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn và virus nhưng trong bệnh Hashimoto, nó lại sinh ra những kháng thể tấn công vào các cơ quan, trong đó có tuyến giáp.
Tuyến giáp bị phá hủy dần dần và rất âm thầm nên đa số người bệnh không biết và không được chẩn đoán. Đến khi tuyến này bị phá hủy quá nhiều, không sản xuất đủ lượng nội tiết tố mà cơ thể cần thì bệnh suy giáp xuất hiện; nhiều trường hợp có biểu hiện là bướu cổ to.
Viêm tuyến giáp Hashimoto gặp ở khoảng 5% người trưởng thành và có xu hướng tăng lên theo tuổi. Bệnh có tính chất gia đình, gặp chủ yếu ở phụ nữ và thường phối hợp với một số bệnh khác như đái tháo đường, viêm khớp, bạch biến...
Viêm tuyến giáp bán cấp
Là dạng thường gặp sau viêm tuyến giáp Hashimoto, hay xuất hiện sau một đợt bị viêm hầu họng hoặc viêm đường hô hấp trên. Lúc đầu, tuyến giáp bị phá hủy đã giải phóng ra nhiều nội tiết tố dự trữ, gây cường giáp tạm thời. Sau 1-2 tháng, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng suy giáp do tuyến giáp đã bị phá hủy, không còn khả năng sản xuất, còn lượng nội tiết tố dự trữ đã sử dụng hết. Sau 6-9 tháng, đa số bệnh nhân sẽ trở về bình giáp, tuy nhiên một số sẽ bị suy giáp vĩnh viễn. Có 2 thể viêm tuyến giáp bán cấp, đó là:
Thể đau dữ dội: Tuyến giáp (tương ứng vùng cổ trước) sưng, toàn bộ vùng cổ đau dữ dội gây hạn chế vận động, nuốt đau, mất ngủ... Điều trị bằng aspirin hoặc các thuốc chống viêm giảm đau khác, đặc biệt với corticoid. Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ hoặc vừa.
Thể không đau: Các triệu chứng thường nhẹ, tuyến giáp có sưng nhưng không đau, thường xảy ra ở những phụ nữ sau sinh (5-9%) trong vòng 1 năm nên còn được gọi là viêm tuyến giáp sau sinh. Bệnh có xu hướng hay tái phát ở những lần có thai sau.
Viêm tuyến giáp cấp
Còn gọi là viêm tuyến giáp sinh mủ, nguyên nhân là vi khuẩn. Bệnh rất hiếm gặp. Bệnh nhân thường mệt mỏi, sốt cao, vùng cổ sưng nóng, đỏ, đau. Viêm tuyến giáp cấp được xem là một cấp cứu nội khoa, cần điều trị tích cực bằng kháng sinh liều cao và chích tháo mủ.
Chẩn đoán viêm tuyến giáp tương đối khó, nhất là khi các triệu chứng còn nhẹ, không có triệu chứng hoặc bệnh nhân đã tự dùng kháng sinh và thuốc giảm đau trước khi đến bệnh viện. Việc điều trị sẽ tùy theo thể bệnh, giai đoạn bệnh và mức độ của các triệu chứng. Nhìn chung, tiên lượng của các bệnh nhân viêm tuyến giáp là tốt, phần lớn đều khỏi bệnh và có cuộc sống hoàn toàn bình thường.