Bị nhân tuyến giáp nên ăn gì và kiêng ăn gì là băn khoăn của rất nhiều người, đặc biệt là những ai đang mắc phải tình trạng này. Bởi chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng giúp cho quá trình điều trị bệnh đem lại hiệu quả hơn. Nếu đang quan tâm đến vấn đề này thì mời các bạn cùng tham khảo thông tin hữu ích có trong nội dung bài viết dưới đây.
Nhân tuyến giáp là bệnh gì?
Tuyến giáp là cơ quan nội tiết nằm phía trước cổ, gồm hai thùy trái và phải, được nối với nhau bởi một eo giáp, thực hiện vai trò sản xuất hormone, tham gia vào hầu hết quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nhân tuyến giáp là dạng tổn thương nằm khu trú tại một hoặc cả hai thùy tuyến giáp, có thể là khối dạng dịch lỏng hoặc đặc quánh. Biểu hiện của bệnh là vùng cổ “sưng” lên, nhìn mất cân đối, phụ nữ có tỷ lệ mắc cao gấp 7 lần so với nam giới, thường gặp nhất từ 36 - 55 tuổi.
Hầu hết các trường hợp nhân tuyến giáp là lành tính, một tỷ lệ nhỏ phát hiện nhân có chứa tế bào ác tính (ung thư), thường gặp trong 5 - 10% người có nhân giáp. Do đó, khi thấy dấu hiệu bất thường, bạn cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán, phát hiện sớm bướu nhân là lành hay ác và có biện pháp điều trị kịp thời.
Người bị nhân tuyến giáp nên ăn gì?
Bị nhân tuyến giáp nên ăn gì để giúp cải thiện bệnh là băn khoăn của rất nhiều người, bởi không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà những triệu chứng kèm theo do bệnh cũng khiến cho người mắc gặp rất nhiều phiền phức trong cuộc sống cũng như sinh hoạt thường ngày. Sau đây là những thực phẩm rất tốt đối với người mắc:
Rau lá xanh
Rau có màu xanh đậm hoặc củ màu vàng sậm nổi tiếng với hàm lượng magnesi và khoáng chất cao, đóng vai trò quan trọng trong trao đổi chất, đặc biệt là các hoạt động của tuyến giáp. Việc bổ sung rau xanh có tác dụng giảm triệu chứng khó chịu của nhân tuyến giáp như mệt mỏi, tim đập nhanh…
Một lưu ý khi các bạn chế biến rau họ cải như bắp cải, củ cải, cải bẹ,… thì nên chần hoặc luộc sơ. Vì mấy loại rau trên chứa chất isothiocyanates, ngăn cản quá trình hấp thụ iod, và nhiệt độ sẽ làm chất này phân hủy.
Bổ sung thực phẩm giàu iod
Tuyến giáp cần iod để sản sinh ra các hormon cần thiết, có tác dụng cân bằng mọi quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Nhưng không phải ai cũng bổ sung đầy đủ iod vào chế độ ăn của mình, nhất là những người sống ở vùng núi cao, các thực phẩm mà họ sử dụng hàng ngày rất ít iod. Cách đơn giản nhất là hãy sử dụng muối có chứa iod, lưu ý rằng những thực phẩm đóng gói, gia công thường không chứa iod. Tuy nhiên, bạn có thể bổ sung iod trong chế độ ăn uống hàng ngày với thực phẩm giàu iod như rong biển.
Thực phẩm chứa omega-3
Các loại hải sản như cá, tôm,... là nguồn thực phẩm giàu iod, kẽm, omega-3, vitamin B và selen rất tốt cho tuyến giáp. Vì thế, bạn nên ăn ít nhất 3 bữa hải sản/tuần. Chú ý sử dụng các sản phẩm được đánh bắt tự nhiên như cá hồi, cá bơn, cá tuyết,... Hàm lượng axit béo omega-3 trong các loại cá này không chỉ có tác dụng chống viêm mà còn giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Cơ thể con người không tự sản xuất ra axit béo này, vì vậy, bạn cần bổ sung chúng từ thực phẩm. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung omega-3 từ quả óc chó, dầu ô liu, dầu hạt lanh.
Các loại hạt
Một số loại hạt như: Hạt bí, hạt điều, hạnh nhân đều là những nguồn thực phẩm giàu magnesi, protein thực vật, đồng, kẽm, vitamin E và B giúp tuyến giáp hoạt động tốt.
Bị nhân tuyến giáp kiêng ăn gì?
Nếu đã hoàn thành xong thực đơn “người bị nhân tuyến giáp nên ăn gì” thì các bạn hãy note nhanh những thực phẩm cần phải kiêng sau đây:
Chất xơ và đường
Chất xơ rất tốt cho quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên, với bệnh nhân điều trị nhân tuyến giáp, chất xơ gây cản trở sự hấp thụ thuốc. Do đó, người mắc cần chú ý chỉ ăn một lượng chất xơ vừa đủ cho hệ tiêu hóa, không nên ăn quá nhiều.
Giống như chất xơ, đường hay chất tạo ngọt cũng gây khó khăn cho quá trình điều trị nhân tuyến giáp. Khi bị bệnh, chức năng tuyến giáp suy giảm ảnh hưởng tới sự chuyển hóa đường. Đường không phân giải được dẫn đến các hệ lụy như tăng cân, đường huyết cao…
Thực phẩm chứa gluten
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, gluten là một loại protein thường có trong lúa mì, lúa mạch,… không chỉ tác động đến hệ tiêu hóa mà còn gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể, khiến cho nguy cơ mắc bệnh về tuyến giáp tăng cao.
Thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn nổi tiếng không tốt cho sức khỏe. Và thực tế, nó đặc biệt không dành cho người bị nhân tuyến giáp. Các thực phẩm chế biến sẵn chứa một lượng lớn calo rỗng cùng nhiều chất phụ gia có hại cho tuyến giáp.
Hơn thế nữa, hàm lượng cao chất béo công nghiệp ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone của tuyến giáp. Đồng thời, thực phẩm chế biến sẵn còn dễ dẫn đến biến chứng suy giáp.
Bia rượu và chất kích thích
Cũng giống như những bệnh lý khác, người bị bướu nhân tuyến giáp tuyệt đối không được sử dụng bia rượu do chúng gây rối loạn hoạt động của tuyến giáp và kích thích hệ tiêu hóa, làm giảm khả năng hấp thụ thuốc điều trị, ảnh hưởng đến quá trình cải thiện bệnh.