Người bị suy tuyến giáp nên ăn gì là thắc mắc của nhiều người khi gặp phải tình trạng này. Mặc dù, thực phẩm không thể chữa khỏi được suy giáp nhưng một chế độ ăn uống khoa học kết hợp với dùng thuốc có thể giúp phục hồi chức năng của tuyến giáp và giảm nhẹ các triệu chứng. Để trả lời cho thắc mắc trên, mời bạn cùng tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây.

Thế nào là suy tuyến giáp?

Suy tuyến giáp (hay còn gọi là suy giáp) là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Phụ nữ, đặc biệt là những người khoảng từ 20 – 40 tuổi có khả năng cao mắc phải bệnh lý này. Suy giáp ít khi gây ra các triệu chứng ở giai đoạn đầu, nhưng theo thời gian, nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như: Béo phì, đau khớp, vô sinh và bệnh tim. Dấu hiệu của suy giáp bao gồm:

- Mệt mỏi.

- Tăng nhạy cảm với lạnh.

- Táo bón.

- Mức cholesterol trong máu tăng cao.

- Tăng cân không rõ nguyên nhân.

- Cơ bắp đau nhức, tê cứng hoặc sưng các khớp xương.

- Giòn móng tay và tóc, khô da.

- Trầm cảm.

Nguyên nhân gây suy tuyến giáp là gì?

Nguyên nhân gây suy tuyến giáp phổ biến nhất là do sự suy yếu, rối loạn của hệ miễn dịch. Bình thường, hệ miễn dịch được ví như “hàng rào chắn” có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch bị suy yếu sẽ dẫn đến hoạt động rối loạn, điều này cũng đồng nghĩa “hàng rào chắn” bị phá vỡ, suy giảm, không còn đủ sức chống chọi với những tác nhân độc hại và nhận nhầm các tế bào, mô tuyến giáp là tác nhân lạ nên sản xuất ra kháng thể tự sinh tấn công, phá hủy chúng, làm giảm nồng độ hormone tuyến giáp. Nhằm duy trì hoạt động bình thường cho cơ thể, các tế bào lành còn lại của tuyến giáp phải hoạt động nhiều hơn để sản xuất đủ lượng hormone cần thiết, khiến cơ quan nội tiết này phình to ra và hình thành nên u bướu ở cổ (trường hợp này còn được gọi là bướu cổ do suy giáp). Vì thế, để kiểm soát tốt hội chứng suy tuyến giáp thì cần tác động vào “phần gốc” này. 

Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến suy tuyến giáp còn liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp trong thời gian dài. Ngoài ra, sử dụng một số phương pháp điều trị cường giáp như iod phóng xạ, dùng thuốc điều trị kháng giáp trạng hoặc phẫu thuật tuyến giáp cũng có thể dẫn đến suy tuyến giáp (còn gọi là suy giáp sau điều trị cường giáp).

Người bị suy tuyến giáp nên ăn gì?

Thức ăn đơn thuần sẽ không chữa được suy giáp. Tuy nhiên, sự phối hợp của chất dinh dưỡng đúng và thuốc điều trị có thể giúp phục hồi chức năng của tuyến giáp, từ đó cải thiện các triệu chứng do bệnh gây nên. Những chất dinh dưỡng có lợi cho người bị suy tuyến giáp bao gồm:

Omega-3 trong cá giúp cải thiện tình trạng viêm và miễn dịch

Tình trạng suy giáp không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do nồng độ cholesterol xấu (LDL-cholesterol) cao hơn. Trong khi đó, omega-3 từ lâu đã được biết đến là có tác dụng giảm viêm, giúp điều hòa miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Chính vì vậy, người bị suy tuyến giáp nên bổ sung các loại cá giàu omega-3 trong bữa ăn hàng ngày như: Cá hồi, cá trích, cá bơn,...

Các loại đậu, đỗ giúp duy trì năng lượng

Trong thành phần của các loại đậu, đỗ có chứa protein, chất chống oxy hóa, carbohydrate, vô số vitamin và khoáng chất - đây là một nguồn thực phẩm tuyệt vời cung cấp năng lượng cho cơ thể, do đó rất hữu ích nếu chứng suy giáp khiến bạn cảm thấy kiệt sức. Ngoài ra, trong đậu, đỗ cũng có nhiều chất xơ, giúp cải thiện tình trạng táo bón ở người bị suy tuyến giáp.

Kẽm

Kẽm là nguyên tố vi lượng giúp cơ thể “hoạt hóa” hormone tuyến giáp. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, kẽm có thể giúp cơ thể điều hòa hormone kích thích tuyến giáp TSH. Nếu bạn mắc suy giáp, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm như: Hàu, tôm, cua, cá,...

Selen

Cũng giống như kẽm, selen giúp cơ thể “hoạt hóa” các hormone tuyến giáp, đi vào máu và tham gia các quá trình trao đổi chất cũng như chuyển hóa năng lượng trong cơ thể. Khoáng chất thiết yếu này cũng có những lợi ích chống oxy hóa, giúp bảo vệ tuyến giáp khỏi những phân tử được gọi là gốc tự do.

Thêm thức ăn giàu selen vào thực đơn của bạn là cách tốt để bổ sung nguyên tố vi lượng thiết yếu này, bao gồm: Đậu Brazil, cá ngừ, cá mòi, trứng và rau củ.

Lưu ý: Tránh dùng viên uống bổ sung selen trừ khi được sự cho phép của bác sĩ. Viên uống bổ sung hàm lượng cao selen có thể gây độc ở hàm lượng cao.