PGS.TS TTƯT Trần Đình Ngạn
Hoạt động của tuyến giáp ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể: điều hòa chuyển hóa mỡ, đường cũng như hoạt động hô hấp, thân nhiệt, sự phát triển của não bộ, hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ cơ xương khớp và sự toàn vẹn của da. Các bệnh lý ở tuyến giáp đều liên quan đến rối loạn miễn dịch của cơ thể.
Cơ chế miễn dịch trong các bệnh lý tuyến giáp
Bệnh lý tuyến giáp rất đa dạng về triệu chứng. Biểu hiện trên lâm sàng phụ thuộc vào tình trạng bình giáp, cường chức năng hay suy chức năng tuyến giáp.
Bướu tuyến giáp bình giáp: Bướu giáp đơn thuần là bệnh lý tuyến giáp có tỷ lệ người mắc cao nhất. Biểu hiện điển hình là tuyến giáp phì đại (với các mức độ khác nhau). Với những tiến bộ của khoa học, hiện nay đã xác định được nhiều yếu tố là nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh, tuy nhiên, rất đáng lưu ý ở đây là cơ chế miễn dịch. Người ta đã xác định được trong cơ thể bệnh nhân có kháng thể kích thích tuyến giáp, làm tăng khối lượng, tăng sinh tổ chức, nhưng không làm tăng khả năng sinh hormon tuyến giáp. Bệnh bướu bình giáp thường gặp thứ hai là bướu tuyến giáp. Nguyên nhân cũng tương tự như bướu giáp đơn thuần.
Bướu đơn thuần là bệnh lý tuyến giáp có tỷ lệ mắc cao nhất
Bướu cường chức năng tuyến giáp (tăng tiết hormone tuyến) thường gặp là bướu giáp lan tỏa, bướu gây nhiễm độc đối với cơ thể (bệnh basedow - một số nước còn gọi là Graves). Trong đó, basedow là bệnh lý cường giáp thường gặp nhất. Bệnh được xác định có liên quan đến cơ chế tự miễn, biểu hiện là sự phì đại lan tỏa của tuyến giáp, do kháng thể kích thích trực tiếp thụ cảm thể tiếp nhận TSH, gây tăng nồng độ hormon tuyến giáp trong máu.
Bướu suy chức năng tuyến giáp bao gồm suy tuyến giáp mắc phải và suy tuyến giáp bẩm sinh. Suy tuyến giáp do nhiều nguyên nhân: tai biến sau điều trị, sau phẫu thuật, sau khi dùng phóng xạ, thiếu hụt cung cấp iod, thiếu hụt men di truyền, viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto,… làm giảm khả năng tổng hợp hormon tuyến giáp.
Có thể thấy, các bệnh lý tuyến giáp dù biểu hiện triệu chứng khác nhau nhưng điểm chung là có bướu giáp và xuất hiện kháng thể tự miễn. Chính vì vậy, việc tìm ra kháng thể tự miễn là yếu tố để chẩn đoán sớm các bệnh lý tuyến giáp.
Mục đích trong điều trị các bệnh lý tuyến giáp là làm hạn chế độ phì đại tuyến giáp và giảm triệu chứng của cường hoặc suy chức năng tuyến giáp. Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng miễn dịch. Đây cũng là lý do mà việc sử dụng các loại thảo dược hỗ trợ điều trị, điều hòa miễn dịch cho người bị bệnh tuyến giáp đang trở thành xu thế ngày nay.