Viêm tuyến giáp bao gồm một nhóm các rối loạn gây viêm tại tuyến giáp nhưng do các nguyên nhân khác nhau. Ví dụ, viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp. Viêm tuyến giáp sau sinh, gây ra chứng ngộ độc tuyến giáp tạm thời (nồng độ cao hormone tuyến giáp trong máu), sau đó là chứng suy giáp tạm thời, một nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về tuyến giáp sau khi sinh. Viêm tuyến giáp cấp và bán cấp là nguyên nhân chính gây đau ở tuyến giáp. Ngoài ra viêm tuyến giáp cũng có thể thấy ở những bệnh nhân dùng thuốc interferon và amiodarone.

Tìm hiểu về 3 loại viêm tuyến giáp và cách điều trị hiện nay

1. Viêm tuyến giáp cấp hoặc bán cấp

Bệnh lý này được cho là do nhiễm virus, thường xuất hiện các triệu chứng giống như cúm. Không có loại virus chính xác nào được xác định là nguyên nhân. Dường như nhiều virus khác nhau cùng tác động gây nên tình trạng viêm tại tuyến giáp. Bệnh này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, thường tập trung ở đội tuổi 20-50 tuổi.

Triệu chứng thường gặp trong bệnh lý này là tuyến giáp gia tăng về kích thước, kèm theo cảm giác đau đớn, sưng đỏ tại tuyến. Người bệnh có thể bị đau họng, triệu chứng như cúm hoặc kèm theo sốt. Có một giai đoạn chức năng tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) với các triệu chứng như lo lắng, run rẩy, đánh trống ngực, mất ngủ và thân nhiệt cao hơn bình thường, đôi khi sau giai đoạn này là tình trạng suy giảm chức năng tuyến (suy giáp), khi đó người bệnh có thể gặp các triệu chứng ngược lại, chẳng hạn như: chậm chạp, mệt mỏi và cảm thấy lạnh hơn bình thường.

Khi gặp các triệu chứng ở trên, người bệnh nên đi khám sức khỏe để có chẩn đoán chính xác nhất. Điều trị viêm giáp cấp và bán cấp có thể phải sử dụng thuốc chống viêm, tuy nhiên, cũng có thể sử dụng kết hợp các loại thuốc điều hòa chức năng tuyến giáp khác cho phù hợp với từng giai đoạn. Người bệnh thường phục hồi hoàn toàn trong vòng từ hai đến năm tháng, tuy nhiên vẫn có khoảng 5% các trường hợp có thể chuyển sang viêm giáp mạn tính.

2. Viêm tuyến giáp sau sinh

Đây là một dạng viêm tuyến giáp tạm thời thường xảy ra sau khi mang thai, đặc biệt là ở phụ nữ có các kháng thể tuyến giáp trước đó. Nó thường xuất hiện trong sáu tháng đầu sau sinh.

Các triệu chứng của viêm tuyến giáp sau sinh là: Tuyến giáp có thể sưng lên chút ít nhưng hầu như không có triệu chứng đau đớn. Cũng như viêm tuyến giáp bán cấp, bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng của một tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) sau đó tự chuyển sang giai đoạn suy giáp, với các triệu chứng tương tự. Phụ nữ sau sinh khi thấy các biểu hiện bất thường của tình trạng cường giáp nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị. Trong những trường hợp nhẹ có thể không cần điều trị, vì nó có thể tự lành nhanh chóng. Nếu các triệu chứng tăng năng tuyến giáp diễn ra dữ dội, bạn phải được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ nội tiết để đảm bảo sức khỏe của mẹ và không ảnh hưởng đến việc cho con bú.

Hầu hết các trường hợp đều hồi phục hoàn toàn, khoảng 12 tháng sau sinh. Tuy nhiên, viêm giáp có thể trở lại trong kỳ mang thai sau đó. Do đó, người bệnh nên hết sức chú ý và theo dõi kĩ để có hướng điều trị cũng như phòng ngừa thích hợp.

3. Viêm tuyến giáp mạn tính (bệnh Hashimoto)

Viêm tuyến giáp mạn tính còn gọi là bệnh Hashimoto, là một tình trạng trong đó hệ thống miễn dịch của bạn tấn công tuyến giáp. Trong khi đó, tuyến giáp là một phần của hệ thống nội tiết, có chức năng sản xuất hormone, điều hòa nhiều hoạt động của cơ thể. Bệnh thường gây ra tình trạng chức năng tuyến giáp suy giảm, hay gọi là suy giáp không hồi phục. Đây là nguyên nhân gây suy giáp hàng đầu ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trung niên nhưng cũng có thể xảy ra ở nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi, cũng như trẻ em.