Tuyến giáp kích thước tương đối nhỏ, hình cánh bướm ở dưới cổ họng, có vai trò điều chỉnh hoạt động chức năng của cơ thể bao gồm: mức độ thèm ăn, tốc độ chuyển hóa năng lượng và thậm chí cả nhiệt độ của cơ thể. Tuyến giáp không được chú trọng và kiểm tra định kì. Người bệnh chỉ đi khám khi xuất hiện các triệu chứng rối loạn chức năng tuyến giáp.
Trước khi tìm hiểu những triệu chứng của bệnh tuyến giáp thì cần phải hiểu tuyến giáp có vai trò quan trọng như thế nào đối với cơ thể. Tuyến giáp tuy có kích thước nhỏ nhưng vẫn là một tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, việc sản xuất và bài tiết 2 loại hormon là T3 và T4 giúp kiểm soát tốc độ chuyển hóa của các tế bào và quá trình trong cơ thể. Do đó, khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn cơ thể bạn sẽ tăng hoặc giảm tốc độ chuyển hóa năng lượng một cách mạnh mẽ và gây nhiều triệu chứng, và dưới đây là những dấu hiệu chỉ điểm cho bệnh lý tuyến giáp đang phát triển.
9 dấu hiệu chỉ điểm cho bệnh tuyến giáp
1. Da mỏng hoặc thô.
Tuyến giáp kiểm soát tốc độ chuyển hóa của da. Ở những người có một tuyến giáp hoạt động quá mức, da sẽ tái tạo nhanh hơn một chút, thường dẫn đến tình trạng da nhợt hơn và mỏng hơn. Một tuyến giáp hoạt động kém lại làm chậm lại sự thay đổi của tế bào da, làm cho da dày hơn. Các vấn đề về da khác có thể là hậu quả của quá trình tăng năng tuyến giáp bao gồm da cảm thấy ẩm hoặc ấm, làm mẩn đỏ vùng da mặt hoặc da tay. Trong khi những người bị suy giáp có thể gặp tình trạng làn da cảm thấy lạnh và nhợt nhạt, lâu lành các vết thương hở.
2. Giảm cân hoặc tăng cân nhanh chóng.
Một tuyến giáp hoạt động kém sẽ dẫn đến tăng cân nặng không kiểm soát mặc dù người bệnh vẫn ăn uống và vận động bình thường. Mặt khác, cường giáp lại dẫn đến tình trạng giảm cân nghiêm trọng. Nhưng tăng cân và giảm cân cũng có liên quan đến cảm giác thèm ăn. Trong khi cường giáp liên quan đến việc giảm cân, thường liên quan đến tăng sự thèm ăn, tuy nhiên, do tốc độ trao đổi chất tăng cao nên người bệnh vẫn giảm cân ngay cả khi ăn nhiều. Tương tự như vậy đối với suy giáp, người bệnh thường giảm sự thèm ăn, tuy nhiên vẫn tăng cân ngay cả khi giảm lượng thức ăn mỗi ngày.
3. Thay đổi cảm xúc.
Tuyến giáp hoạt động quá mức có ảnh hưởng xấu đến cảm xúc của bạn. Cường giáp thường liên quan đến sự lo lắng, xúc cảm, và thậm chí rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, suy giáp lại có liên quan đến tình trạng trầm cảm, thích một mình, xa lánh các hoạt động tập thể. Suy giáp có thể dẫn đến một số vấn đề nhận thức như hay quên, kém tập trung, giảm kỹ năng vận động.
4. Thay đổi thân nhiệt: Cảm thấy nóng hoặc sợ lạnh.
Khi bị chứng tăng năng tuyến giáp (hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức), tốc độ của các quá trình trong cơ thể tăng cao, tăng tốc độ trao đổi chất, cũng như tăng chuyển hóa cơ sở. Việc đốt cháy năng lượng nhanh chóng sẽ khiến cơ thể luôn cảm thấy nóng, toát mồ hôi vào ban đêm. Ngược lại, ở những người suy giáp, tốc độ trao đổi chất chậm lại, khiến cơ thể luôn cảm thấy lạnh, sợ lạnh hơn bình thường.
5. Mệt mỏi thường xuyên.
Bao gồm cả cường giáp và suy giáp đều dẫn đến các suy giảm đáng kể về sức khỏe, gây tình trạng mệt mỏi kéo dài. Ở bệnh nhân suy giáp, chậm chuyển hóa, nhịp tim chậm sẽ dẫn đến thiếu hụt về năng lượng cho các tế bào trong cơ thể. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, hoạt động và vận động kém, thường xuyên ngủ gà, mệt mỏi ngay cả khi đã ngủ đủ giấc. Cường giáp lại gây tăng nhịp tim, tăng chuyển hóa dẫn đến việc cơ thể lúc nào cũng trong trạng thái hoạt động quá mức và lâu dần sẽ dẫn suy kiệt sức khỏe, cơ thể không đủ cung cấp nguyên liệu cho các quá trình sản sinh năng lượng. Ngoài tình trạng mệt mỏi kéo dài thì các vấn đề về sinh hoạt vợ chồng, công việc cũng giảm sút đáng kể.
6. Vấn đề đường ruột.
Cơ quan tiêu hóa cũng không phải là ngoại lệ trong các bệnh lý tuyến giáp. Tăng nhu động ruột dẫn đến tiêu chảy, đi tiêu thường xuyên xảy ra ở những bệnh nhân cường giáp. Trong đó, những người suy giáp lại có triệu chứng táo bón do giảm nhu động ruột.
7. Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.
Đối với các bệnh nhân nữ, các rối loạn chức năng tuyến giáp bất kể cường giáp hay suy giáp có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, khi có các vấn đề tuyến giáp, chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài và ngắn hơn so với bình thường, nhiều bệnh nhân có thể bị vô kinh, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Do đó, khi kinh nguyệt không đều và đã thăm khám phụ khoa không rõ nguyên nhân, đừng quên kiểm tra chức năng tuyến giáp của bạn.
8. Rụng lông, tóc.
Rụng tóc có thể xảy ra với cả cường giáp và nhược giáp. Trong khi tóc rụng và mỏng là biểu hiện thường thấy ở những người cường giáp, thì nó còn xảy ra ở vùng lông mày, lông mi. Đồng thời, bệnh lý tuyến giáp còn dẫn đến tình trạng tóc khô ráp. Nguyên nhân rụng tóc, lông có thể liên quan đến tình trạng da khô, nóng ẩm, không đảm bảo cho lông, tóc phát triển tốt.
9. Thay đổi về cấu tạo mắt và thị lực.
Triệu chứng trên mắt rõ nhất là ở bệnh cường giáp Basedow. Người bệnh có hiện tượng lồi mắt, giảm thị lực nghiêm trọng. Ngoài ra, ở các bệnh lý tuyến giáp khác, người bệnh cũng có thể gặp tình trạng thay đổi cấu tạo của mắt và giảm thị lực.