Bên cạnh i ốt và selen – hai chất tham gia trực tiếp vào cấu tạo và hoạt động của tuyến giáp thì còn nhiều các chất vi lượng khác tác động đến hoạt động tuyến giáp. Đồng thời cũng không thể không kể đến vai trò của chất chống oxy hóa và vitamin B trong việc bảo vệ tuyến giáp. 

Nhóm vi lượng: Kẽm (Zn), đồng (Cu), sắt (Fe) điều hòa hoạt động tuyến giáp

Kẽm, đồng và sắt là các vi lượng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chức năng của tuyến giáp. 3 nguyên tố vi lượng này có liên quan mật thiết với nhau (sự mất cân của một chất sẽ kéo theo sự mất cân bằng của các chất khác).

Kẽm cần thiết cho sự chuyển đổi của T4 thành T3, thiếu kẽm có thể dẫn đến suy giáp. Ngược lại, thiếu hụt hormone tuyến giáp cũng dẫn đến giảm hấp thụ kẽm. Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) cũng làm tăng nhu cầu một số chất dinh dưỡng, bao gồm cả kẽm.

Đồng cũng tham gia vào quá trình chuyển đổi của T4 thành T3, vì vậy hàm lượng đồng trong cơ thể thấp có liên quan đến tình trạng suy tuyến giáp. Giống như các khoáng chất vi lượng khác, hàm lượng chất này quá nhiều cũng gây ra bệnh lý, trong đó có cường giáp. Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên quan đến việc thiếu hụt đồng dẫn đến tình trạng tăng lượng hormon T4 và gây tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid cụ thể là tăng cholesterol máu ở bệnh nhân cường giáp.

Sắt tham gia vào cấu tạo hồng cầu. Bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt tăng nguy cơ bị suy tuyến giáp. Bên cạnh đó, hàm lượng sắt thấp gây cản trở hoạt động của i ốt và dẫn đến các rối loạn chức năng tuyến giáp. Bên cạnh đó thì việc dư thừa lượng sắt trong cơ thể cũng dẫn đến các rối loạn tuyến giáp.

Chất chống oxy hóa và vitamin B giúp bảo vệ tuyến giáp

Các chất chống oxy hóa là cần thiết đối với cơ thể, nó có vai trò ngăn ngừa các quá trình lão hóa và thoái hóa của cơ thể. Nhiều vi chất dinh dưỡng thông thường có chất chống oxy hóa, như beta-caroten (tiền vitamin A), vitamin C và vitamin E. Đồng thời cùng với i ốt và selen thì các chất chống oxy hóa đặc biệt quan trọng giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh tuyến giáp cũng như bảo vệ tuyến giáp khỏi các yếu tố tấn công.

Trong cường giáp, hình thức bệnh phổ biến nhất là bệnh Graves (Basedow) là bệnh lý có mức oxy hóa cao. Nguyên nhân là do, tuyến giáp hoạt động tích cực hơn, sử dụng nhiều oxy hơn, quá trình chuyển hóa của cơ thể diễn ra nhanh hơn khiến các sản phẩm chuyển hóa là các chất oxy hóa càng nhiều. Các chất này có thể tấn công và phá hủy tế bào và mô tại các cơ quan. Đây là lý do tại sao chất chống oxy hóa đặc biệt quan trọng trong cường giáp. Các vitamin B (B2, B3, B6) cũng rất quan trọng cho chức năng tuyến giáp bởi vì chúng tham gia sản xuất T4.