Tuyến giáp hoạt động kém (bệnh suy giáp) thường gây ra tăng cân nhanh và rất khó giảm. Cơ chế gây ra tình trạng này khá phức tạp, không chỉ đơn thuần do giảm tốc độ trao đổi chất trong cơ thể mà còn có sự đóng góp của các yếu tố khác.
Mối quan hệ mật thiết giữa tuyến giáp và cân nặng
Có một mối quan hệ phức tạp giữa bệnh tuyến giáp, trọng lượng cơ thể (cân nặng) và sự chuyển hóa trong cơ thể. Hormone tuyến giáp điều chỉnh sự trao đổi chất ở cả động vật và con người. Sự chuyển hóa được xác định bằng cách đo lượng oxy được cơ thể sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu phép đo được thực hiện khi chúng ta đang ở trạng thái nghỉ ngơi, nó được gọi là tỷ lệ trao đổi chất cơ bản (Basal Metabolic Rate - BMR). Trong thực tế, phép đo BMR là một trong những xét nghiệm sớm nhất được sử dụng để đánh giá tình trạng tuyến giáp của bệnh nhân. Bệnh nhân có tuyến giáp hoạt động kém hay không hoạt động được tìm thấy là có BMR thấp, và những người có tuyến giáp hoạt động quá mức có BMR cao. Các nghiên cứu sau đó liên kết các quan sát này với các phép đo nồng độ hormone tuyến giáp và cho thấy nồng độ hormone tuyến giáp thấp có liên quan với BMR thấp và nồng độ hormone tuyến giáp cao có liên quan với BMR cao.
Bạn có biết: Tuyến giáp hoạt động kém thường dẫn đến tăng cân
Sự khác biệt trong BMR có liên quan đến những thay đổi về cân bằng năng lượng. Mất cân bằng năng lượng phản ánh sự khác biệt giữa lượng calo ăn vào và lượng calo mà cơ thể sử dụng.
Tuyến giáp hoạt động kém hay còn gọi là suy giáp được đặc trưng bởi sự không sản xuất đủ hormone giáp mà cơ thể cần, dẫn tới ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hóa của các mô, cơ quan trong cơ thể. Do BMR ở người có tuyến giáp hoạt động kém bị giảm nên dẫn tới tốc độ chuyển hóa và sự đốt cháy calo cũng giảm, gây tích lũy các chất béo dư thừa làm tăng trọng lượng cơ thể. Tăng cân thường nhanh và nhiều ở những người bị suy giáp nặng.
Nguyên nhân của việc tăng cân ở người suy giáp cũng phức tạp và không phải lúc nào cũng liên quan đến sự tích lũy chất béo dư thừa. Phần lớn trọng lượng tăng thêm ở người bệnh là do tích lũy quá nhiều muối và nước.
Không chỉ vậy, khi nồng độ hormone tuyến giáp giảm, nó gây ra phản ứng dây chuyền làm thay đổi nhiều hệ thống nội tiết tố khác trong cơ thể bạn như làm tăng nồng độ insulin, giảm testosteron, giảm progesteron,... Tất cả đều góp phần vào cơ chế gây tăng trọng lượng của bệnh nhân.