Basedow là một trong những bệnh lý tuyến giáp phổ biến, gây không ít ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Vậy các triệu chứng bệnh basedow thường gặp là gì? Làm thế nào khắc phục tình trạng này cho hiệu quả mà vẫn an toàn? Nếu bạn cũng đang có chung thắc mắc tương tự thì hãy ĐỌC NGAY bài viết sau đây.
Nguyên nhân gây bệnh basedow do đâu?
Bệnh basedow xuất hiện là do hệ thống miễn dịch bị rối loạn, tuy nhiên lý do chính xác tại sao điều này xảy ra vẫn chưa được xác định rõ ràng. Bình thường, hệ miễn dịch sản xuất các kháng thể để tiêu diệt virus, vi khuẩn hoặc yếu tố gây hại nào đó tác động đến cơ thể. Trong bệnh basedow, hệ thống miễn dịch bị rối loạn đã tạo ra một kháng thể bất thường được gọi là immunoglobulin kích thích tuyến giáp. Kháng thể này bắt chước chức năng của hormone kích thích tuyến giáp TSH. Nó bám vào bề mặt của các tế bào tuyến giáp, khiến cho cơ quan này hoạt động không bình thường, dẫn đến sản xuất quá nhiều hormone, gây ra cường giáp.
Ngoài ra, các vấn đề về mắt liên quan đến tế bào lympho và kháng thể gây độc nhạy với kháng nguyên trong tế bào sợi ở hốc mắt, mô giáp cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh basedow. Cytokine từ tế bào lympho gây viêm cơ và viêm tế bào sợi trong hốc mắt, làm sưng phù các cơ trong hốc mắt gây lồi mắt, nhìn đôi, mắt đỏ, xung huyết, phù kết mạc và quanh hốc mắt. Đây cũng chính là lý do vì sao khi nhắc đến bệnh basedow, nhiều người thường liên tưởng đến hình ảnh lồi mắt.
Các triệu chứng bệnh basedow thường gặp
Các triệu chứng bệnh basedow thường giống như hội chứng cường giáp. Khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám và được chẩn đoán chính xác cũng như nhận tư vấn phương pháp điều trị phù hợp:
- Nhãn cầu lồi ra (lồi mắt). Người mắc thường gặp vấn đề về thị giác như mờ mắt hoặc bị chứng song thị (nhìn thấy hai hình ảnh của cùng 1 vật).
- Hay bồn chồn, lo lắng, dễ cáu gắt, có thể dẫn đến trầm cảm.
- Nam giới gặp phải tình trạng gynecomastia (hiện tượng vú to ở nam giới), hói đầu sớm, rối loạn cương dương,… Đây có thể là kết quả của việc tuyến giáp hoạt động quá mức.
- Rối loạn kinh nguyệt: Khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, một loạt các hiệu ứng trên hệ thống sinh sản có thể xảy ra. Nữ giới ở tuổi dậy thì sẽ bị chậm có kinh nguyệt. Trong đó, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản bị basedow thường có biểu hiện chậm kinh, lượng kinh nguyệt ít.
- Bướu cổ: Xuất hiện bướu lớn, lan tỏa khắp vùng tuyến giáp. Đồng thời, khối bướu mềm và đàn hồi, có thể chèn ép, gây rối loạn mạch vùng cổ.
- Luôn cảm thấy nóng, tăng tiết mồ hôi: Đặc điểm của bệnh basedow là tăng chuyển hóa, năng lượng được sinh ra từ thức ăn bị dùng để tạo nhiệt nên cơ thể người bệnh thường rất nóng, hay vã mồ hôi.
- Ngứa da, rối loạn sắc tố da, tóc khô, dễ rụng.
- Ăn nhiều mà vẫn sút cân, uống nước nhiều và tiểu nhiều, do đó, thường bị nhầm với bệnh tiểu đường.
- Nhịp tim nhanh, trên 100 lần/phút, thay đổi tùy thời điểm trong ngày, thường tăng lên khi xúc động hoặc làm việc gắng sức.
- Tiêu hóa: Tăng nhu động ruột, dẫn đến tiêu chảy 5 - 10 lần/ngày mà không kèm theo đau quặn bụng.
- Teo cơ, đặc biệt là vùng quanh vai làm bệnh nhân khó khăn khi đứng lên, run tay khi cầm nắm đồ vật.
Điều trị bệnh basedow như thế nào?
Phương pháp điều trị bệnh basedow hiện nay là giảm triệu chứng và cân bằng lại nồng độ hormone tuyến giáp bằng cách áp dụng 1 trong 3 phương án sau:
- Điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp: Hiện có 3 loại thuốc được sử dụng trong điều trị nội khoa là methimazole, carbimazole và propylthiouracil. Ở Việt Nam, người ta ưu tiên sử dụng biện pháp này bởi nhiều lý do như: Tỷ lệ kiểm soát bệnh cao, ít gây suy giáp, ít ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ so với điều trị phóng xạ hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, những rối loạn tự miễn của tuyến giáp, trong đó có basedow là quá trình phức tạp và kéo dài, đòi hỏi phải khắc phục được nguyên nhân. Việc sử dụng thuốc kháng giáp tổng hợp đơn thuần chỉ giúp cải thiện triệu chứng, đó là điều hòa lại nồng độ hormone chứ không điều hòa hệ miễn dịch. Hơn nữa, phương pháp này có tỷ lệ tái phát cao, khoảng 70 - 75% và càng tăng nếu thời gian điều trị càng ngắn.
Dùng thuốc kháng giáp quá liều (tự ý tăng liều hay do bệnh đã giảm mà vẫn dùng liều cao) có thể dẫn đến suy giáp. Vì thế, trong quá trình điều trị, người mắc cần đi khám và làm các xét nghiệm kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp thường xuyên để có sự điều chỉnh liều lượng phù hợp, kịp thời. Bên cạnh đó, các xét nghiệm chức năng gan, thận,… cũng rất quan trọng nhằm kiểm soát tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Điều trị bằng phóng xạ iod 131: Biện pháp này được thực hiện sau khi điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp không khỏi, tái phát hoặc không thể điều trị tiếp do dị ứng thuốc, viêm gan, giảm bạch cầu,... Điều trị basedow bằng iod 131 đạt hiệu quả tối đa sau 8 - 10 tuần. Nếu chức năng tuyến giáp trở về bình thường, thì không cần xử trí gì thêm nhưng cần tái khám theo dõi định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần. Nếu bệnh nhân bị nhược giáp sau khi điều trị bằng iod 131 thì phải bổ sung hormone tuyến giáp thay thế. Sau khi điều trị xong liệu trình mà bệnh vẫn tái phát thì sẽ có chỉ định điều trị lần tiếp theo sau 3 - 6 tháng. Phương pháp này không được áp dụng đối với phụ nữ đang có ý định mang thai trong 6 tháng gần nhất. Nam giới có thể bị giảm số lượng tinh trùng và vô sinh tạm thời trong khoảng 2 năm khi điều trị bằng iod 131.
- Phẫu thuật: Phương pháp này chỉ được lựa chọn khi bệnh đã được điều trị bằng thuốc ít nhất 4 - 6 tháng mà không duy trì được bình giáp khi ngừng thuốc; tình trạng cường giáp tuy ổn định nhưng bướu giáp không nhỏ lại; bướu giáp to gây mất thẩm mỹ, có các biểu hiện chèn ép gây khó thở hoặc ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ; bệnh basedow ở trẻ em điều trị bằng nội khoa không đem lại hiệu quả;...
Lưu ý rằng, các trường hợp bị basedow nặng có những rối loạn bệnh lý không hồi phục trong cơ quan nội tạng, đặc biệt là hệ tim mạch thì không được dùng phương pháp phẫu thuật. Do đó, người mắc cần phải được theo dõi, kiên trì điều trị và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số biến chứng có thể xảy ra khi can thiệp ngoại khoa như: Chảy máu trong và sau khi mổ, hạ calci huyết, cơn bão giáp trạng, suy giáp hậu phẫu,…