Cường giáp là bệnh lý phổ biến xảy ra tại tuyến giáp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Vậy các thuốc điều trị cường giáp hiện nay là gì? Nên có biện pháp khắc phục như thế nào cho hiệu quả mà vẫn an toàn? Để giải đáp cho băn khoăn này, mời các bạn cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.
Thế nào là cường giáp?
Tuyến giáp là cơ quan nội tiết hình cánh bướm, nằm ở phía trước cổ, có vai trò sản xuất ra hormone giải phóng vào máu, đi đến mọi mô và cơ quan để kiểm soát rất nhiều hoạt động của cơ thể như: Điều tiết lượng canxi trong máu, tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sự hoạt động của tim, hệ thần kinh và điều tiết nhiệt lượng. Cường giáp là tình trạng xảy ra do tuyến giáp hoạt động quá mức cần thiết, dẫn đến hormone được sản xuất nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể, gây nên các biểu hiện như: Ăn nhiều, uống nhiều, gầy nhanh (trong một thời gian ngắn, người bệnh có thể sụt đến hơn 10kg); nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực; không chịu được nóng, đổ mồ hôi nhiều; trong người luôn có cảm giác nóng nảy, bực tức, khó ngủ;…
Cường giáp ngày càng có chiều hướng phổ biến, chiếm 45% các bệnh về nội tiết và 2,6% bệnh về nội khoa liên quan đến tuyến giáp. Phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới, đặc biệt là những người đang trong độ tuổi từ 20 – 40.
Nguyên nhân gây cường giáp do đâu?
Theo các chuyên gia nội tiết, nguyên nhân chính gây cường giáp là do sự suy yếu, rối loạn của hệ miễn dịch. Bình thường, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách sản xuất kháng thể để chống lại tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vào như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, các kháng thể này cũng có khả năng phản ứng với protein trên bề mặt tuyến giáp, dẫn đến sự sản xuất quá mức hormone (cường chức năng tuyến giáp). Vì thế, nếu muốn điều trị triệt để cường giáp thì cần phải tác động vào “phần gốc” này.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng gây nên tình trạng cường giáp, bao gồm:
- Tình trạng viêm tuyến giáp do virus hoặc các rối loạn tự miễn dịch có thể làm cho lượng hormone tuyến giáp vào máu tăng, gây ra cường giáp.
- Khối u tuyến yên có thể gây ra tình trạng tăng tiết TSH (hormone kích thích tuyến giáp) dẫn đến làm tăng các tính hiệu đến tuyến giáp, khiến cho tuyến giáp sản xuất dư thừa hormone, gây nên các biểu hiện cường giáp.
- Một số người tiêu thụ quá nhiều iod (từ thực phẩm hoặc thuốc) cũng có thể khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone.
Các thuốc điều trị cường giáp và những lưu ý khi sử dụng
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp được ứng dụng trong điều trị cường giáp, bao gồm: Điều trị nội khoa bằng thuốc, sử dụng iod phóng xạ và phẫu thuật. Ở Việt Nam, chuyên gia thường ưu tiên lựa chọn điều trị nội khoa bằng thuốc. Sau đây là các thuốc điều trị cường giáp thường được sử dụng và những lưu ý cần thiết:
Thuốc kháng giáp
Có 2 loại thuốc kháng giáp chính có thể được sử dụng đó là carbimazole, propylthiouracil (PTU), những thuốc này sẽ tích tụ ở mô tuyến giáp và ức chế bài tiết hormone tuyến giáp. Bên cạnh tác dụng chính là hạn chế tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, mỗi loại thuốc đều tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đặc biệt là gây tổn thương gan. Trong đó, PTU gây tổn thương gan nghiêm trọng nhất, do đó, thuốc này bị chống chỉ định trong liệu pháp kháng giáp đầu tay, ngoại trừ các trường hợp sau đây:
- Dị ứng với carbimazole hoặc methimazole.
- Trường hợp mang thai hoặc mong muốn có thai trong tương lai.
Carbimazole đã được chứng minh là có khả năng gây quái thai, đặc biệt là gây ra các dị tật ở đầu và cổ. Do đó, carbimazole bị chống chỉ định sử dụng trong thai kỳ và propylthiouracil sẽ được thay thế trong trường hợp này. Propylthiouracil đã được chứng minh là an toàn cho các bà mẹ cho con bú, mặc dù thuốc được bài tiết với số lượng nhỏ trong sữa mẹ.
Ngoài ra, một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng các thuốc kháng giáp này bao gồm: Ngứa, phát ban da, rụng tóc, sốt, ợ nóng, đau cơ - khớp và buồn nôn.
Thuốc chẹn beta giao cảm
Những thuốc chẹn beta giao cảm thường được sử dụng bao gồm: Acebutolol, atenolol, metoprolol, bisoprolol, nadolol có tác dụng làm giảm các triệu chứng tim mạch của hội chứng cường giáp như: Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, tăng huyết áp, run. Khi bệnh đã đỡ, phải giảm liều dần (không cắt bỏ đột ngột) cho đến khi ổn định.
Lưu ý: Không được ngừng sử dụng nhóm thuốc chẹn beta một cách đột ngột mà phải giảm liều từ từ, vì sẽ gây ra tác dụng ngược làm gia tăng huyết áp hay trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực. Nhóm thuốc này gây co thắt phế quản, nên không được dùng cho người mắc bệnh viêm phế quản, hen và phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là những thuốc kê đơn nên người bệnh không được tự ý sử dụng, phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các thầy thuốc chuyên khoa.