Các thuốc điều trị cường giáp hiện nay được chia thành 2 nhóm chính đó là thuốc điều trị triệu chứng và thuốc kháng giáp. Mỗi nhóm lại có các tác dụng và tác dụng không mong muốn khác nhau. Để biết rõ hơn về các lợi ích và nguy cơ của các thuốc điều trị cường giáp, mời các bạn cùng đọc bài viết dưới đây.
Thuốc điều trị cường giáp có lợi ích và nguy cơ như thế nào?
Cường giáp là một bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp quá mức, gây rối loạn quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Nguyên nhân gây cường giáp phổ biến đó là bệnh Basedow (tên gọi khác là bệnh Graves).
Bệnh lý này có thể tái phát sau khi kết thúc một đợt điều trị. Do đó, bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ sau khi đã dừng thuốc để kiểm tra và phát hiện sớm nếu tình trạng cường giáp xuất hiện trở lại.
Các phương pháp điều trị cường giáp bao gồm :
- Thuốc điều trị triệu chứng (thuốc chẹn beta)
- Thuốc kháng giáp.
- Iod phóng xạ.
- Mổ.
Dưới đây là một số thông tin về lợi ích và nguy cơ của các thuốc điều trị cường giáp.
Thuốc chẹn beta
Tác dụng của nhóm thuốc này đó là giảm nhẹ các triệu chứng của cường giáp như nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, căng thẳng, run tay.
Một số thuốc hay được sử dụng đó là propranolol, atenolol,…
Sử dụng các thuốc này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như:
- Nhịp chậm, suy tim sung huyết, hạ huyết áp.
- Khi điều trị kéo dài với liều cao có thể gặp: Ðau đầu nhẹ, chóng mặt, mất điều hòa, dễ bị kích thích, giảm thính giác, rối loạn thị giác, ảo giác, lú lẫn, mất ngủ, mệt nhọc, yếu ớt, trầm cảm dẫn tới giảm trương lực, bệnh thần kinh ngoại biên.
- Viêm họng, sốt kèm theo đau rát họng.
- Co thắt phế quản.
- Giảm bạch cầu hạt, ban xuất huyết.
- Buồn nôn, đau dạ dày, ỉa chảy, táo bón, đầy hơi.
Thuốc kháng giáp
Có 2 loại thuốc kháng giáp chính có thể được sử dụng đó là: Methimazole và propylthiouracil ( PTU).
Tác dụng của nhóm thuốc này đó là ngăn cản tuyến giáp tiết quá nhiều hormone, ức chế sự chuyển T4 (levothyroxine) thành T3 (triiodothyronine) hoạt động, từ đó sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh.
Cả 2 loại thuốc kháng giáp trên đều có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe bao gồm tổn thương gan, mặc dù tác dụng phụ này hiếm có, nhưng người bệnh vẫn cần chú ý. Trong đó, PTU gây tổn thương gan nghiêm trọng nhất, vì vậy thuốc được chỉ định khi bệnh nhân không dung nạp methimazole và ưu tiên các bệnh nhân không có bệnh lý gan, thận. Bên cạnh đó, cả 2 loại thuốc đều gây tăng nguy cơ nhiễm trùng. Một số tác dụng phụ thường gặp hơn của thuốc điều trị cường giáp bao gồm ngứa, phát ban da, rụng tóc, và sốt. Một số bệnh nhân có thể gặp: Sưng, tê, đau đầu, ợ nóng, đau cơ, khớp và buồn nôn. Đây cũng là lý do mà hầu hết bệnh nhân không dùng thuốc kháng giáp quá 18 tháng, nếu điều trị nội khoa không hiệu quả sẽ được xem xét điều trị bằng phương pháp khác như phẫu thuật hoặc iod phóng xạ.