Phụ nữ bị suy giáp có thể gặp các vấn đề về rối loạn kinh nguyệt cũng như sinh sản. Hormone tuyến giáp có ảnh hưởng lớn đến kinh nguyệt, mang thai, cho con bú và thậm chí cả sự thu gọn tử cung sau khi sinh. Do đó, nữ giới bị các bệnh lý tuyến giáp cần hết sức thận trọng và thăm khám định kì để được kiểm soát.

Suy giáp là gì?

Suy giáp, còn được gọi là tuyến giáp kém hoặc tuyến giáp thấp, là một rối loạn trong đó tuyến giáp không thể sản xuất đủ lượng hormone gọi là thyroxine để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể.

Hormon tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng đối với chức năng cơ thể bao gồm sử dụng năng lượng, điều hòa nhiệt độ cơ thể và tiêu hóa thức ăn… Mức độ thấp của hormone tuyến giáp có thể gây trở ngại cho những hoạt động chức năng này của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây suy giáp bao gồm các rối loạn tự miễn (viêm tuyến giáp Hashimoto và viêm tuyến giáp teo), sau phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, xạ trị, suy giáp bẩm sinh, viêm của tuyến giáp, thiếu hụt iod, bệnh tuyến yên và tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác.

Theo nghiên cứu, khoảng 4,6 phần trăm dân số Hoa Kỳ bị tuyến giáp kém. Các nguy cơ phát triển suy giáp cao hơn ở phụ nữ trên 50 tuổi và phụ nữ sau khi sinh. Vấn đề tuyến giáp có thể dễ dàng xác định bằng một xét nghiệm máu đơn giản, thường có thể được kiểm soát bằng thuốc và các sản phẩm hỗ trợ. Tuy nhiên, hầu hết suy giáp vẫn không được chẩn đoán vì triệu chứng ban đầu rất đa dạng và dễ bị bỏ qua. Đó là nguyên nhân của các tình trạng sức khỏe không đươc kiểm soát trong đó có rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.

Suy giáp ảnh hưởng thế nào đến kinh nguyệt của phụ nữ

Chức năng tuyến giáp thấp, hay còn gọi là suy giáp có thể dẫn đến những thay đổi về độ dài chu kì kinh cũng như lượng máu kinh trong thời kì hành kinh của phụ nữ. Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Journal of Obstetrics and Gynecology, tại Ấn Độ, nhấn mạnh rằng rối loạn chức năng tuyến giáp là một nguyên nhân quan trọng gây ra những bất thường kinh nguyệt.

Trong thực tế, nghiên cứu này nhấn mạnh vào việc đánh giá chức năng tuyến giáp ở những người bị rối loạn kinh nguyệt để tránh can thiệp không cần thiết như nạo và cắt tử cung. Vô sinh cũng có thể là do bệnh tuyến giáp không được chẩn đoán.

Một nghiên cứu y học, năm 2012, được công bố trên tạp chí International Journal of Applied đã thấy rằng suy giáp có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do thay đổi chu kì kinh nguyệt, khuyết tật giai đoạn hoàng thể, và mất cân bằng hormon giới tính. Trong đó, điều trị suy giáp bằng thuốc bổ sung hormon tuyến giáp trong vòng 3 tháng đến 1 năm, phụ nữ vô sinh có triệu chứng có thể cải thiện cơ hội thụ thai. Do đó, bất kì sự thay đổi nào trong chu kì kinh nguyệt cũng như các vấn đề trong thời gian mang thai cũng nên được tầm soát sức khỏe tuyến giáp.