Suy giáp (nhược giáp) là một tình trạng tuyến giáp giảm bài tiết nội tiết tố giáp làm cho cơ thể bị rối loạn chuyển hóa  và gây ra các bệnh tim mạch, nội tiết, tâm thần … thường xảy ra trên phụ nữ trong tuổi sinh sản. Do vậy, suy giáp có thể gặp trên phụ nữ có thai.

Nguyên nhân gây suy giáp ở phụ nữ có thai

Viêm giáp do Hashimoto: bệnh có nguyên nhân tự miễn, đặc trưng bởi sự thâm nhiễm tế bào Lympho và tương bào vào mô kẽ, xơ hóa mô kẽ làm thay đổi các nang tuyến với các tế bào biểu mô tăng kích thước. Tạo thành các nang nhỏ, mật độ đàn hồi. Xét nghiệm kháng thể kháng nhân tuyến giáp như antiperoxydaz > 1/100.

Suy giáp sau phẫu thuật: đôi khi chỉ có suy giáp sinh học, xảy ra sau cắt bỏ tuyến giáp bán phần gặp trong Basedow hay một phần trong bướu giáp đa nhân. Phần lớn trên lâm sàng và các xét nghiệm sinh học đều liên quan trực tiếp đến thiếu hoóc-môn giáp.

Ở phụ nữ có thai, suy giáp có sẵn, cần phải được theo dõi sát bằng nồng độ TSH, vì có thể TSH sẽ tăng và T4 sẽ giảm trong thai kỳ, dù trước đó người mẹ chưa có thai được ổn định.

Các triệu chứng như sợ lạnh, da lạnh, tóc khô, táo bón, kém chú ý, dễ xúc động đều có thể gặp ở người mẹ mang thai. Dấu hiệu dị cảm thường gặp trên người bệnh có suy giáp và hội chứng chèn ép thần kinh giữa trên người mẹ mang thai. Các triệu chứng như thân nhiệt thấp, phù niêm, lưỡi to, giọng khàn chỉ gặp giai đoạn trễ của bệnh.

Xét nghiệm đáng tin cậy nhất để chẩn đoán suy giáp trên người mẹ có thai là TSH tăng cao, nồng độ T4 có thể bình thường hay giảm.

Thai kỳ có thể làm thoái triển các bệnh lý tự miễn của tuyến giáp ở người mẹ mang thai với khuynh hướng tái phát sau sinh. Một số tác giả ghi nhận sự giảm hiệu giá các kháng thể đến mức không đo được trong thai kỳ cùng với sự giảm thể tích tuyến giáp và nồng độ TSH.

Khi có thai là có sự biểu hiện ức chê miễn dịch vì trên cơ thể người mẹ có sự giảm tuyệt đối hay tương đối hoạt tính tế bào T hỗ trợ và nồng độ globulin miễn dịch. Ngoài ra sự tăng hoạt tính của tế bào T ức chế của thai nhi, tăng alpha 2 glycoprotein liên hệ với thai kỳ cũng góp phần vào tình trạng ức chế miễn dịch trong thai kỳ.

Bị suy giáp khi mang thai cần được theo dõi và điều trị

Bị suy giáp khi mang thai cần được theo dõi và điều trị 

Bệnh lý suy giáp ở người mẹ ảnh hưởng lên thai nhi

Một số các nghiên cứu cho thấy, khi mẹ bị suy giáp, có 20% số ca tác động lên thai nhi có thể gây chết lưu trong tử cung hay có dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Một số trẻ sinh ra cũng chậm phát triển tâm thần và thể chất.

Người mẹ bị suy giáp khi mang thai có thể gây ra thiếu máu, tiền sản giật, sinh non, nhau bong non, thai nhi chậm phát triển trong tử cung, suy dinh dưỡng bào thai, với tần suất 20 - 30%. Cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy mẹ bị suy giáp được theo dõi và điều trị đầy đủ thuốc, bé sinh ra hoàn toàn bình thường.

Điều trị suy giáp cho bà mẹ mang thai

Trường hợp suy giáp mới chẩn đoán, điều trị L-thyroxin với liều đầy đủ, liều 0,1 – 0,15mg, uống 1 lần mỗi ngày, sao cho nồng độ TSH ở giới hạn bình thường. Trên người mẹ đã dùng L-thyroxin, tiếp tục dùng trong suốt thai kỳ và điều chỉnh liều lượng theo mỗi 2 - 3 tháng. Cần duy trì nồng độ hoóc-môn giáp trong giới hạn cho phép.

Dự phòng suy giáp trong thai kỳ cho người mẹ

Cần tầm soát hết các bệnh lý đi kèm trước khi có thai,  cần có sự bình ổn hoóc-môn giáp trên lâm sàng.

Khi có thai, cần đi khám thai ngay và thông báo cho bác sĩ sản khoa và bác sĩ nội tiết được biết để có kế hoạch điều trị thuốc suy giáp. Tuân thủ liều dùng thuốc điều trị trong suốt thời gian mang thai, kết hợp dinh dưỡng đầy đủ.

Khi chuyển dạ sinh, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được chăm sóc tốt.