Cường giáp ở người mẹ không được kiểm soát tốt, nồng độ các hormon tuyến giáp trong máu người mẹ cao, hậu quả là nồng độ tuyến giáp trong thai nhi cũng cao và làm tăng nhịp tim thai, thai nhi nhẹ cân so với tuổi, đẻ non, thai chết lưu.
Hơn 90% nguyên nhân của cường giáp là basedow, hậu quả của tình trạng rối loạn hệ tự miễn làm cho cơ thể sản xuất nhiều kháng thể kích thích tế bào tuyến giáp tăng hoạt động sản xuất quá nhiều hormon giáp.
Các nguyên nhân khác ít gặp hơn như: do nhân tuyến giáp, viêm giáp, do sử dụng thuốc, thức ăn chứa nhiều i - ốt... Triệu chứng của bệnh thường giống các bệnh nội khoa khác do đó làm người bệnh chủ quan và thầy thuốc khó chẩn đoán.
Việc điều trị cần thời gian lâu dài và sự tuân thủ chặt chẽ của bệnh nhân, do đó thường làm cho người bệnh khó tuân thủ đúng và hậu quả để lại nhiều biến chứng trên các cơ quan, nặng nề hơn có thể gây tử vong.
Bệnh cường giáp ở thai phụ cần được kiểm soát để tránh các biến chứng có thể xảy ra
Biến chứng tim mạch
Là một trong những biến chứng thường gặp nhất trong bệnh cường giáp. Do tình trạng tăng nhiều hormon giáp, tác động kích thích cơ tim làm cho tim làm việc nhiều hơn, tăng nhịp tim, tăng sức co bóp, hậu quả có thể dẫn đến các tình trạng như nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, cao huyết áp, thường là huyết áp tâm thu, suy tim, thiếu máu cơ tim.
Người bệnh thường có các triệu chứng như nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, đôi khi hụt hơi, một số trường hợp bệnh nhân cảm giác đau ngực, nặng hơn có thể có các triệu chứng của suy tim như khó thở khi làm việc, lên cầu thang, có thể khó thở ngay cả trong khi nằm nghỉ...
Biến chứng loãng xương
Do tác động của hormon giáp gây nên tình trạng tăng tốc độ chuyển hóa xương được hiểu như quá trình xây mới và chỉnh sửa xương, vì thế làm gia tăng tình trạng mất canxi trong xương và gây loãng xương. Ở người lớn tuổi sẽ thấy rõ tình trạng này, người bệnh có các triệu chứng như đau nhức xương, chuột rút (vọp bẻ), gia tăng nguy cơ gãy xương...
Biến chứng trên mắt, thường gặp trên bệnh nhân basedow, người bệnh có thể bị lộ mắt 1 hoặc 2 bên do tình trạng phản ứng viêm phù nề xảy ra sau hốc mắt và hậu quả đẩy nhãn cầu lồi ra phía trước. Các triệu chứng khác như nóng rát, chảy nước mắt, mắt đỏ, nhìn mờ, chói khi ra ánh sáng, trong trường hợp nặng hơn có thể loét giác mạc do bội nhiễm, nhìn đôi...
Biến chứng trên thai kỳ
Chiếm khoảng 1 - 2% ở phụ nữ tuổi mang thai. Bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi và người mẹ, trên thai nhi có thể do bệnh hay do thuốc điều trị cường giáp. Các biến chứng có thể gặp trong thời kỳ mang thai như sảy thai, sinh non, có thể có biến chứng cơn bão giáp trong khi sinh, suy tim cấp...
Cơn bão giáp trạng là biến chứng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 1 - 2% trên bệnh nhân cường giáp, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Cơn bão giáp xuất hiện khi bệnh đang điều trị chưa ổn định có các yếu tố thúc đẩy như phẫu thuật, nhiễm trùng, tiêu chảy, chấn thương... Người bệnh có các triệu chứng như nhịp tim nhanh, loạn nhịp, sốt cao, da ẩm, mê sảng. Do đó, cần cấp cứu kịp thời, nếu không người bệnh dễ tử vong.