Khi bị cường giáp, người mắc thường có biểu hiện tăng huyết áp. Triệu chứng này rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vậy tại sao cường giáp gây tăng huyết áp? Để trả lời câu hỏi này và tìm hiểu về bệnh cường giáp, mời bạn tham khảo thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây.

Cường giáp là gì?

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá mức hormone T3, T4, gây ra các ra các triệu chứng của quá trình tăng chuyển hóa như:

- Chịu nóng kém, sụt cân, cổ to.

- Rối loạn giấc ngủ.

- Tiêu chảy.

- Mệt mỏi, dễ nổi nóng.

- Thân nhiệt tăng.

- Vã mồ hôi, run tay.

- Tăng huyết áp.

Các bệnh nhân bị cường giáp thường có biểu hiện tăng huyết áp (chủ yếu là tăng huyết áp tối đa, còn huyết áp tối thiểu vẫn bình thường). Tuy mức chỉ số huyết áp tăng không nhiều và hiếm khi cần phải điều trị nhưng nếu kéo dài thì nó cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim, gây suy tim.

Tại sao cường giáp gây tăng huyết áp?

Tuyến giáp có kích thước rất nhỏ nằm ngay dưới quả táo Adam. Nó có vai trò quan trọng trong việc bài tiết hormone và điều hòa huyết áp, nhiệt độ, chuyển hóa của cơ thể.

Khi bị cường giáp, lượng hormone T3, T4 được bài tiết vào trong cơ thể quá cao sẽ làm tăng tốc độ trao đổi chất, khiến cho tim đập nhanh, huyết áp cao, run chân tay.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh cường giáp, làm xuất hiện tình trạng tăng huyết áp như: Viêm tuyến giáp, bướu đa nhân nhiễm độc, ăn quá nhiều iot,…

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nguyên nhân phổ biến nhất gây cường giáp làm xuất hiện tình trạng tăng huyết áp là bệnh Basedow (hay Graves). Basedow là một loại bệnh tự miễn, xảy ra do hệ thống miễn dịch bị suy yếu, dẫn đến rối loạn hoạt động nên đã tạo ra kháng thể bất thường có chức năng giống với chất chủ vận của hormone kích thích tuyến giáp TSH. Nó bám vào bề mặt của tế bào tuyến giáp, khiến cơ quan này sản xuất ra quá nhiều hormone so với nhu cầu của cơ thể, dẫn đến cường giáp. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ quá nhiều iod cũng khiến cho tình trạng này thêm trầm trọng.