Cường giáp là một loại bệnh tuyến giáp hay gặp. Các triệu chứng của bệnh cường giáp có thể rõ rệt hoặc mờ nhạt, tùy theo từng bệnh nhân. Một trong những mục tiêu điều trị cường giáp quan trọng là giảm triệu chứng. Trong đó, propranolol thường được sử dụng nhiều nhất để giúp bạn đạt được mục tiêu này. Vậy propranolol là thuốc gì? Tác dụng ra sao? Thuốc có gây tác dụng phụ gì không? Cách dùng như thế nào?

Triệu chứng của bệnh cường giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, nằm phía trước cổ. Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá mức hormone T3 (triiodothyronine) và T4 (thyroxine). Bệnh cường giáp ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Một số triệu chứng của bệnh cường giáp bao gồm:

- Căng thẳng, dễ kích thích, lo lắng, cáu kỉnh

- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ

- Mệt mỏi, yếu cơ, không muốn làm việc

- Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, huyết áp cao

- Tiêu chảy

- Vã mồ hôi nhiều, ngay cả khi trời không nóng

- Run bàn tay, ngón tay

- Giảm cân bất thường

- Bướu cổ

 

>>>Xem thêm: Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không?

Những điều cần biết về propranolol

Mục tiêu trong điều trị bệnh cường giáp là giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao sức khỏe tuyến giáp. Một trong các thuốc được sử dụng để giảm bớt triệu chứng của bệnh cường giáp đó là propranolol. Vậy propranolol có tác dụng gì? Cách dùng như thế nào? Sử dụng lâu có gây hại cho cơ thể không?

Tác dụng của propranolol

Propranolol thuộc nhóm chẹn beta – adrenergic không chọn lọc. Hệ thần kinh giao cảm điều hòa hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Thụ thể của nó khi ở tim gọi là beta 1, còn khi ở các mô khác ngoài tim thì gọi là beta 2. Propranolol đóng vai trò như một chất cạnh tranh ở các vị trí gắn thụ thể beta 1 và beta 2, từ đó giảm bớt tác động của hệ thần kinh giao cảm lên tim và những cơ quan khác. Do đó, hoạt chất này sẽ giúp làm giảm nhịp tim, hạ huyết áp, giảm run tay - các triệu chứng điển hình của bệnh cường giáp.

Những yếu tố có thể góp phần tham gia vào tác dụng chống tăng huyết áp của propranolol đó là giảm cung lượng tim, ức chế thận giải phóng renin, phong bế hệ thần kinh giao cảm từ trung tâm vận mạch ở não đi ra.

Propranolol giúp giảm run do chẹn thụ thể beta 2 (không ở tim). Tuy nhiên, tác dụng này đến nay vẫn chưa được sáng tỏ.

Trong bệnh cường giáp, propranolol làm giảm nồng độ T3 (triiodothyronine) và không làm ảnh hưởng đến T4 (thyroxine).

Tác dụng phụ của propranolol

Khi sử dụng propranolol, người bệnh cường giáp có thể gặp một số phản ứng phụ trên hệ tim mạch, thần kinh, hô hấp, máu, tiêu hóa… Tuy nhiên, các tác dụng phụ này hầu hết là nhẹ và thoáng qua.

Một số tác dụng không mong muốn của thuốc có thể là:

- Hệ tim mạch: Nhịp chậm, suy tim sung huyết, block nhĩ thất, hạ huyết áp, hội chứng Raynaud (da ở đầu ngón tay, ngón chân bị trắng, xanh sau đó chuyển sang tím, xảy ra do giảm tưới máu đến các đầu ngón chi).

- Thần kinh: Khi sử dụng liều cao có thể gặp các biểu hiện như: Đau đầu, chóng mặt, dễ bị kích thích, giảm thính giác, mất ngủ, mệt mỏi, yếu ớt, trầm cảm, giảm trí nhớ ngắn hạn, dị cảm bàn tay, bệnh thần kinh ngoại biên.

- Dị ứng: Ban đỏ, sốt

- Hô hấp: Co thắt thanh quản, suy hô hấp

- Máu: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt

- Tiêu hóa: Nôn, đau dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy, đầy hơi.

Những phản ứng phụ bên trên có thể gặp với tỷ lệ 1/1000 – 1/100.

Một vài tác dụng không mong muốn hiếm gặp (tỷ lệ nhỏ hơn 1/1000) bao gồm: Lupus ban đỏ toàn thân, rụng tóc, khô mắt, liệt dương.

Hướng dẫn cách dùng propranolol

Trong bệnh cường giáp, propranolol thường được sử dụng với liều từ 10 – 40mg, ngày uống 3 – 4 lần. Có khi cần phải tiêm tĩnh mạch với liều 1mg trong 1 phút, lặp lại cách nhau 2 phút, cho tới khi có đáp ứng hoặc cho tới liều tối đa 10 mg (ở người bệnh tỉnh táo) hay 5mg (ở người bệnh gây mê).

Tương tác thuốc

Propranolol có thể tương tác với một số thuốc nhất định như: Amiodaron, cimetidin, verapamil, diltiazem, adrenalin, quinidin, phenyl propanolamin, fluvoxamin, clonidin, clorpromazin, lidocain, nicardipin, prazosin, rifampicin, aminophylin, thuốc chống loạn nhịp loại 1. Người bệnh cường giáp nên để ý các thuốc điều trị dùng kèm với propranolol, nếu phát hiện thấy có bất kỳ thuốc nào nằm trong danh sách trên, cần báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí kịp thời.

Ngoài ra, thyroxin (T4) khi dùng chung với propranolol có thể gây giảm nồng độ T3.

>>>Xem thêm: Thuốc điều trị cường giáp: Lợi ích và nguy cơ