Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc điều trị cường giáp, trong đó, carbimazol là cái tên quen thuộc hơn cả. Vậy cụ thể tác dụng của carbimazol như thế nào? Cần có những lưu ý gì trong quá trình sử dụng? Nếu đang quan tâm đến vấn đề này thì mời các bạn cùng theo dõi thông tin hữu ích trong nội dung bài viết dưới đây.
Thế nào là cường giáp?
Cường giáp là một trong những rối loạn chức năng tuyến giáp phổ biến còn có tên gọi khác như: Cường giáp trạng hoặc cường chức năng tuyến giáp. Đây là hội chứng xảy ra do tuyến giáp hoạt động quá mức cần thiết, dẫn đến sản xuất quá nhiều hormone so với nhu cầu của cơ thể. Phụ nữ có tỷ lệ mắc cường giáp cao gấp 7 lần so với nam giới.
Nguyên nhân chính gây cường giáp là do sự suy yếu, rối loạn của hệ miễn dịch. Bình thường, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách sản xuất kháng thể để chống lại tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vào như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch suy yếu dẫn đến rối loạn hoạt động nên đã tự sinh ra các kháng thể để chống lại chính cơ quan trong cơ thể mình, trường hợp này là tuyến giáp. Các tự kháng thể này sẽ tác động trực tiếp lên tế bào ở nang giáp và hoạt hóa quá trình tổng hợp, giải phóng hormone tuyến giáp. Sự tăng cao nồng độ các hormone tuyến giáp trong cơ thể sẽ gây ra một loạt rối loạn trên nhiều cơ quan như:
- Bệnh nhân thấy tinh thần luôn căng thẳng, mất ngủ, tính tình thất thường, lúc nóng nảy, hung đồ, khi thì thờ ơ, lãnh đạm.
- Tiêu chảy: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới 25% bệnh nhân cường giáp bị tiêu chảy từ nhẹ đến trung bình.
- Tay chân run rẩy.
- Khả năng chịu đựng thời tiết nóng kém, hay vã mồ hôi.
- Ăn nhiều mà vẫn sút cân.
- Cơ thể suy nhược, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, ở phụ nữ thấy kinh ra ít.
- Mắt to và lồi dần.
Tùy mỗi người mà biểu hiện của bệnh sẽ khác nhau. Có bệnh nhân chỉ gặp các triệu chứng như sút cân, yếu mệt, buồn sầu. Một số trường hợp khác lại thấy những triệu chứng về tim nổi trội như: Loạn nhịp tim, suy tim,... Ngoài ra, tuyến giáp có thể phình to hoặc không to.
Thuốc điều trị cường giáp carbimazol có tác dụng gì?
Carbimazol là một thuốc kháng giáp có tác dụng ngăn chặn quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp, giảm lượng hormone vào tuần hoàn, do đó, hạn chế các triệu chứng toàn thân do hội chứng cường giáp gây nên. Tuy nhiên, thuốc không điều trị được nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, nếu sau khi dùng carbimazol được 12 - 18 tháng (thường dưới 24 tháng) mà tình trạng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì phải chuyển sang phương án điều trị khác như phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc dùng iod phóng xạ.
Ngoài ra, carbimazol còn dùng trong những mục đích như: Điều trị trước khi phẫu thuật tuyến giáp do cường giáp cho tới khi chuyển hóa cơ bản bình thường; dùng bổ trợ trước và trong khi điều trị bằng iod phóng xạ (I-131).
Cách sử dụng thuốc điều trị cường giáp carbimazol như thế nào?
Trước khi bắt đầu điều trị, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng. Bạn có thể dùng liều cao khi bắt đầu, và sau đó liều dùng có thể giảm khi nồng độ hormone tuyến giáp trở lại bình thường. Bạn có thể uống carbimazole trước hoặc sau bữa ăn. Dùng thuốc vào các thời điểm nhất định mỗi ngày, điều này giúp bạn nhớ uống thuốc đều đặn.
- Đối với người lớn (từ 18 tuổi trở lên): Liều khởi đầu từ 15 - 40 mg, có thể dùng đến 60 mg mỗi ngày, tùy theo cường giáp nhẹ, vừa hoặc nặng. Thường chia làm 3 lần uống, cách nhau 8 giờ vào bữa ăn nhưng cũng có thể dùng 1 - 2 lần trong ngày. Liệu trình điều trị nên ít nhất 6 tháng và có thể kéo dài tới 18 tháng.
- Trẻ em dưới 18 tuổi: Trẻ sơ sinh cho đến 12 tháng tuổi có thể dùng liều khởi đầu 0,25mg/kg mỗi lần, ngày 3 lần. Trẻ từ 12 – 18 tuổi có thể dùng liều khởi đầu 10mg mỗi lần, ngày 3 lần. Sau đó điều chỉnh liều tùy theo đáp ứng lâm sàng, có thể dùng liều cao hơn trong trường hợp nhiễm độc giáp nặng. Sau một thời gian điều trị, khi thấy các biểu hiện lâm sàng thuyên giảm, cần xét nghiệm định lượng nồng độ hormone tuyến giáp. Nếu thấy tuyến giáp trở về bình thường, người bệnh có thể ngừng thuốc. Nhưng khi bị tái phát cường giáp, cần phải dùng carbimazol trở lại hoặc điều trị bằng phương pháp khác (phẫu thuật, iod phóng xạ).
Những lưu ý trong khi sử dụng thuốc điều trị cường giáp carbamizol
Nếu dùng carbimazol liều quá cao và thời gian dùng quá dài dễ gây giảm năng giáp. Nồng độ hormone giáp giảm làm cho tuyến yên tăng tiết hormone kích thích tuyến giáp TSH (thyreostimulating hormone) khiến cho tuyến giáp “phì đại” hình thành nên khối bướu ở cổ. Để tránh hiện tượng này, khi chức năng giáp đã trở về bình thường phải dùng liều thấp vừa phải hoặc kết hợp dùng hormone giáp tổng hợp như levothyroxin để tuyến yên không tăng tiết TSH.
Cần chú ý tới những tác dụng phụ có thể xảy ra do thuốc. Tỷ lệ chung tác dụng không mong muốn là 2-14%. Tai biến xảy ra phụ thuộc vào liều dùng và thường xảy ra trong 6-8 tuần đầu tiên điều trị.
- Các phản ứng dị ứng ngoài da (ban, ngứa) xuất hiện ở khoảng 2-4% người dùng thuốc. Đối với các trường hợp này có thể khắc phục bằng cách uống kháng histamin mà không cần ngừng thuốc.
- Các triệu chứng như buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, giảm bạch cầu (thường nhẹ và vừa). Trường hợp dùng thuốc mà thấy đau họng, nhiễm khuẩn, ban da, sốt, ớn lạnh người bệnh phải đến thầy thuốc kiểm tra huyết học. Nếu thấy mất bạch cầu hạt, suy tủy phải ngừng điều trị, chăm sóc và có thể phải truyền máu.
- Không dùng thuốc cho người ung thư tuyến giáp phụ thuộc TSH; suy tủy, giảm bạch cầu nặng, suy gan nặng hay mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
- Carbamizol có thể gây độc cho tai. Vì thế, nếu thấy giảm khả năng nghe, hãy ngừng sử dụng và liên hệ ngay các chuyên gia để được tư vấn. Với trường hợp này, bạn có thể được chỉ định đổi sang thuốc kháng giáp loại khác như propylthiouracil.