Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng nhưng rất dễ bị rối loạn chức năng. Thuốc điều trị tuyến giáp sẽ tương ứng với các bệnh lý tuyến giáp khác nhau. Đối với suy giáp, L-thyroxine là một thuốc rất hay được sử dụng. Vậy loại thuốc này có thể gây ra tương tác gì với các thuốc khác? Liệu pháp này có tác dụng phụ không?

Bệnh tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, ngay dưới sụn giáp (quả táo Adam). Tuyến này có vai trò sản xuất hormone điều khiển sự chuyển hóa của cơ thể. Các hormone tuyến giáp điều hòa sự sản sinh năng lượng, sự sử dụng hormone, vitamin, sự phát triển và trưởng thành của các mô, cơ quan trong cơ thể.

Bệnh tuyến giáp bao gồm:

- Cường giáp (tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone)

- Suy giáp (quá ít hormone tuyến giáp)

- Suy giáp và cường giáp thai kỳ

- Ung thư tuyến giáp

- Nhân tuyến giáp

Thuốc điều trị tuyến giáp L-thyroxine và tương tác thuốc

Thuốc điều trị tuyến giáp bao gồm:

- Thuốc thay thế hormone tuyến giáp dùng để điều trị suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormone) hoặc ung thư tuyến giáp

- Thuốc điều trị cường giáp (tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone)

- Liệu pháp iod phóng xạ

- Các thuốc điều trị triệu chứng của bệnh cường giáp

L-thyroxine còn gọi là LT4 hoặc levothyroxine, có tác dụng bổ sung hormone tuyến giáp trong các bệnh lý suy giáp (là tình trạng trong đó tuyến giáp hoạt động kém).

Thuốc điều trị tuyến giáp L-thyroxine là dạng phổ biến nhất của liệu pháp thay thế hormone. Đồng thời đây cũng là hormone được tuyến giáp sản xuất ra một cách tự nhiên trong cơ thể.

L-thyroxine thường được sử dụng bằng đường uống, vì vậy thuốc có thể gây tương tác với một số thuốc khác hoặc thực phẩm mà người bệnh ăn vào.

Nhiều thuốc có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của L-thyroxine trong đường tiêu hóa. Những thuốc đó bao gồm:

-  Sắt sulphate hoặc một số chế phẩm chứa sắt

- Canxi cacbonat và các chế phẩm chứa canxi cacbonat

- Colestyramin

- Natri polystyrene sulfonate

- Nhôm và magie trong các thuốc kháng axit dạ dày

- Sucralphat hoặc simethicone

- Raloxifene

- Estrogens có thể làm tăng sự gắn L-thyroxine với protein trong máu

- L-thyroxine có thể can thiệp tới nồng độ của các thuốc khác trong máu như: Digoxin, thuốc chống đái tháo đường, theophylline, warfarin.

Cũng như các thuốc tây khác, L-thyroxine có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

- Đau ngực, thở dốc, đánh trống ngực

- Lo lắng

- Đổ mồ hôi nhiều

- Đau đầu nặng

- Nôn

- Tiêu chảy

- Sút cân

- Kinh nguyệt bất thường

- Rối loạn giấc ngủ