Sau iod, selen là vi chất  dinh dưỡng quan trọng hàng thứ hai với tuyến giáp. Và rất ít người biết: Thiếu hụt selen có thể gây bệnh tuyến giáp. Vậy selen có vai trò cụ thể như thế nào với chức năng tuyến giáp? Thiếu selen có thể gây ra những bệnh tuyến giáp nào? Làm thế nào để nhận biết một người bị thiếu selen? Giải pháp cho vấn đề này là gì? Mời bạn đọc ngay bài viết dưới đây để có câu trả lời chi tiết cho những thắc mắc này!

Thiếu selen có thể gây ra bệnh tuyến giáp không?

Selen là một vi chất dinh dưỡng quan trọng với sức khỏe. Nó cần cho sự chuyển hóa, sinh sản, tổng hợp phân tử DNA (gen) và giúp bảo vệ cơ thể trước nhiễm trùng hoặc các gốc tự do. Selen là một khoáng chất (kim loại) được tìm thấy tự nhiên trong một số loại thực phẩm. Nó có thể được thêm vào thực phẩm hoặc các sản phẩm bổ sung. Cơ thể con người không thể tự tổng hợp được selen mà phải đưa từ bên ngoài vào thông qua chế độ ăn.

Vai trò của selen với tuyến giáp

Tuyến giáp là nơi tập trung selen nhiều nhất trong cơ thể. Điều này có nghĩa là nguyên tố selen đóng vai trò quan trọng với chức năng của tuyến giáp. Selen là thành phần cấu tạo của selenoprotein trong tuyến giáp. Loại protein này còn giúp chống oxy hóa, từ đó bảo vệ tuyến giáp khỏi các gốc tự do được sinh ra trong quá trình sinh tổng hợp hormone tuyến giáp. Selen còn là thành phần của enzyme iodothyronine deiodinase, có vai trò xúc tác quá trình chuyển đổi hormone T4 (tetraiodothyronine, thyroxine) thành T3 (triiodothyronine) là dạng có hoạt tính sinh học.

Thiếu selen có thể gây ra những bệnh tuyến giáp nào?

Thiếu hụt selen có thể gây ra các bệnh tuyến giáp như:

- Suy giáp

- Suy giáp dưới lâm sàng

- Viêm tuyến giáp Hashimoto

- Bướu cổ

- Ung thư tuyến giáp

- Bệnh Graves

Iod được coi là chìa khóa quan trọng nhất với hoạt động của tuyến giáp bởi nó cấu tạo nên hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, tuyến giáp sẽ không thể hoạt động được một cách trơn tru nếu thiếu đi nguyên tố selen. Trong đó, viêm tuyến giáp Hashimoto- một bệnh tuyến giáp tự miễn hay gặp, có liên quan đến sự thiếu hụt selen, sắt và vitamin D.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa các chế phẩm bổ sung selen với tuyến giáp và cả chức năng của hệ miễn dịch. Kết quả thu được đó là:

- Nồng độ selen quá cao hoặc quá thấp đều liên quan tới nguy cơ mắc các bệnh tuyến giáp.

- Các chế phẩm chứa selen có thể làm giảm kháng thể peroxidase tuyến giáp (enzyme tham gia vào quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp), từ đó giúp giảm nhẹ triệu chứng của bệnh suy giáp

- Selen có thể cải thiện thị lực ở người bị bệnh Graves (còn gọi là bệnh Basedow – nguyên nhân số 1 gây ra cường giáp), đồng thời làm chậm sự tiến triển của bệnh và nâng cao sức khỏe cho người mắc.

- Với những người không mắc bệnh tuyến giáp, bổ sung selen có thể giúp tăng cường chức năng của hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng, khối u.

- Một nghiên cứu từ năm 2016 phân tích tác động của việc bổ sung selen lên nồng độ kháng thể trong máu của người mắc bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto đang được uống levothyroxine. Trong nghiên cứu này, nồng độ của các kháng thể thyroid peroxidase (TPOAb) và thyroglobulin (TgAb) vào các thời điểm 3, 6 và 12 tháng sẽ được đánh giá trên hai nhóm bệnh nhân (một nhóm uống selen và một nhóm không). Kết quả thu được: Ở nhóm được bổ sung selen, nồng độ các kháng thể TPOAb và TgAb giảm nhiều hơn nhóm không được bổ sung selen.

Như vậy, selen có thể giúp cải thiện viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Graves và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Dấu hiệu nhận biết thiếu hụt selen và giải pháp

Khi có chế độ dinh dưỡng phù hợp, chúng ta sẽ không bị thiếu selen. Sự thiếu hụt chất này chỉ xảy ra với những người:

- Có bệnh về đường ruột như bệnh Crohn (viêm ruột)

- Đã từng bị cắt bỏ dạ dày

- Sống trong vùng bị thiếu hụt selen trong đất

- Từng chạy thận

- Bị nhiễm virus HIV

Làm thế nào để nhận biết một người bị thiếu hụt selen?

Đối với người bị thiếu hụt selen, một số dấu hiệu nhận biết đó là:

- Vô sinh

- Rụng tóc

- Mệt mỏi

- Tăng cân

- Hệ miễn dịch bị suy yếu, hay mắc bệnh

- Khó tập trung

Tuy nhiên, các biểu hiện trên thường dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh tuyến giáp.

Nồng độ selen có thể xác định thông qua xét nghiệm máu, tóc hoặc móng tay. Theo Viện Y tế Quốc Gia Mỹ, nồng độ selen ở người khỏe mạnh là khoảng 8 microgam/dl.

Bổ sung selen bằng cách nào?

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nhu cầu selen hàng ngày của người trên 14 tuổi là 55 microgam. Ở phụ nữ có thai, nhu cầu selen là 60 microgam và 70 microgam với chị em đang cho con bú.

Có hai hình thức bổ sung selen đó là thông qua thực phẩm hoặc các sản phẩm viên uống được bán trên thị trường. Những thực phẩm giàu selen có thể kể đến như: Hạt Brazil, sinh vật biển (cá hồi, cá ngừ, tôm hùm), thịt (thịt bò, gan bò), trứng, bánh mì, ngũ cốc,… Sản phẩm bổ sung selen trên thị trường thường có công thức đa vitamin.

Lưu ý: Việc bổ sung selen quá liều có thể gây độc cho cơ thể. Một số triệu chứng nhiễm độc selen đó là: Hơi thở mùi tỏi, nước bọt có vị kim loại, rụng tóc, gãy móng, nôn, phát ban da, tiêu chảy, mệt mỏi, rối loạn hệ thần kinh. Vì thế, hãy hỏi ý kiến bác sĩ thật kỹ trước khi muốn bổ sung selen, bạn nhé!