Cường giáp gây nên rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống hàng ngày. Vì thế phác đồ điều trị cường giáp như thế nào là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là những ai đang mắc phải tình trạng này. Để hiểu rõ hơn, mời các bạn cùng theo dõi thông tin trong nội dung bài viết dưới đây.

Cường giáp là bệnh gì?

Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết nằm ở phía trước cổ, tiết ra hormone để điều hòa quá trình chuyển hóa trong cơ thể (cách cơ thể sử dụng năng lượng), hơi thở, nhịp tim, hệ thần kinh, cân nặng, nhiệt độ và nhiều chức năng khác. Cường giáp là hội chứng xảy ra do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, dẫn đến dư thừa hormone tuyến giáp trong cơ thể. Tình trạng này khiến cho quá trình chuyển hóa diễn ra với tốc độ nhanh hơn.

Người mắc cường giáp thường có những biểu hiện như: Căng thẳng, lo lắng quá mức, nhịp tim nhanh, thậm chí đánh trống ngực, run tay chân, vã nhiều mồ hôi, sụt cân, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, chu kỳ kinh nguyệt muộn, da khô, tóc dễ rụng, móng tay dễ gãy, tiêu chảy,…

Phác đồ điều trị cường giáp hiện nay như thế nào?

Cường giáp khiến cho nồng độ hormone trong máu tăng cao, gây ra những triệu chứng của việc tăng chuyển hóa trên cơ thể. Vì thế, việc điều trị trước mắt là cần phải đưa nồng độ hormone trở về mức ổn định (bình giáp). Lâu dài hơn thì cần có biện pháp khắc phục triệt để căn nguyên gây bệnh và phòng ngừa nguy cơ tái phát, đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe người mắc. Hiện nay, có 3 phác đồ điều trị cường giáp như sau:

Sử dụng thuốc kháng giáp

Điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp tổng hợp methimazole và propylthiouracil (PTU) có tác dụng ngăn chặn tuyến giáp sản xuất hormone.

Sau 6 - 8 tuần đầu của giai đoạn điều trị tấn công, nếu các triệu chứng giảm dần về mức bình thường và đạt được tình trạng bình giáp thì coi như đã kết thúc giai đoạn tấn công. Tiếp đến là điều trị duy trì kéo dài từ 18 - 24 tháng. Ở giai đoạn này, liều thuốc giảm dần mỗi 1 - 2 tháng dựa vào sự cải thiện triệu chứng của mỗi người.  Methimazol mỗi lần giảm 5 - 10mg; liều duy trì 5 - 10mg/ngày. PTU mỗi lần giảm 50 - 100 mg; liều duy trì 50 - 100mg/ngày. Liều tấn công và duy trì cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh và khả năng đáp ứng của từng người, tùy thuộc vào độ lớn và nồng độ hormone tuyến giáp.

Nếu tình trạng bình giáp được duy trì liên tục trong suốt thời gian điều trị thì sau 18 - 24 tháng thì có thể ngừng thuốc. Mặc dù mang lại hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng trong vòng một vài tuần, nhưng cường giáp có thể tái phát sau khi ngừng thuốc.

Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm: Phát ban da, ngứa, nổi mề đay, buồn nôn, nôn, ợ nóng, nhức đầu, đau khớp hoặc cơ, mất vị giác. Bên cạnh đó, để giảm nhẹ một số triệu chứng của hội chứng cường giáp trên hệ tim mạch, thần kinh (như nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, lo lắng), bác sĩ có thể kê thêm thuốc chẹn beta. Loại thuốc này sẽ làm giảm tác dụng của hormone tuyến giáp lên hệ tim mạch và thần kinh.

Điều trị phẫu thuật

Phương pháp can thiệp ngoại khoa chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết, thường được áp dụng đối với các trường hợp điều trị nội khoa thất bại hay tái phát, bướu cường giáp quá lớn, bướu giáp nhân độc, basedow có biểu hiện lồi mắt ác tính,…

Các bước chuẩn bị: Điều trị nội khoa với thuốc cho đến khi bình giáp, thường khoảng 3 tháng. Trước phẫu thuật 2 - 3 tuần cho thêm Lugol để giảm xuất huyết khi phẫu thuật nếu cần. Trước phẫu thuật 7- 10 ngày cần phải ngưng propanolol nếu đang sử dụng.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp thông qua một vết mổ nhỏ ở phía trước cổ. Các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật bao gồm: Nhiễm trùng, chảy máu, tắc nghẽn đường thở, khàn giọng và nồng độ canxi trong máu thấp bất thường. Nếu trải qua phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ, bạn sẽ cần phải dùng hormone tuyến giáp thay thế suốt đời. Đối với trường hợp cắt bỏ một phần tuyến giáp thì bệnh vẫn có khả năng tái phát trên vùng còn lại. Tỷ lệ tái phát khoảng 20%, nguy cơ tử vong 1%.

Điều trị bằng iod phóng xạ (I-131)

Liệu pháp I-131 được chỉ định đối với các trường hợp:

- Điều trị nội khoa thời gian dài không đạt hiệu quả như mong muốn.

- Người bệnh > 40 tuổi có bướu không lớn lắm.

- Người bị cường giáp tái phát sau phẫu thuật.

- Bệnh mắc cường giáp basedow có suy tim nặng không dùng được kháng giáp tổng hợp dài ngày hoặc không phẫu thuật được.

Iod phóng xạ không thể được sử dụng nếu người bệnh đang mang thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 - 9 tháng, người bị hạ bạch cầu thường xuyên.

Trước khi sử dụng I-131, người mắc cần dùng thuốc kháng giáp tổng hợp để bệnh giảm đạt bình giáp. Ngừng thuốc kháng giáp tổng hợp 5 - 7 ngày, sau đó đo độ tập trung iod I-131 tuyến giáp để xác định liều xạ. Khi người bệnh uống iod phóng xạ vào cơ thể, iod này sẽ tập trung tại các tế bào tuyến giáp và phát ra tia xạ phá hủy những mô tuyến giáp cạnh đó. Các mô tuyến giáp sau khi bị phá hủy sẽ không thể sản xuất hormone, do đó giảm được các triệu chứng của bệnh cường giáp. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp biến chứng suy giáp.

Lưu ý: Cần phải ngừng sử dụng iod hoặc các dẫn chất có iod trước 2 - 3 tuần điều trị bằng I-131.

Tác dụng không mong muốn của biện pháp điều trị bằng phóng xạ:

- Giảm bạch cầu.

- Ung thư tuyến giáp.

- Cơn bão giáp xuất hiện khi điều trị phóng xạ cho người bệnh đang có nhiễm độc giáp mức độ nặng hoặc chưa bình giáp nói chung.

- Suy giáp tạm thời hoặc vĩnh viễn.