Levothyroxine là thuốc điều trị suy giáp dưới dạng hormone tuyến giáp tổng hợp giúp bổ sung lượng hormone bị thiếu hụt, loại bỏ các triệu chứng do suy giáp gây nên. Tuy nhiên, cách sử dụng loại thuốc này như thế nào và những vấn đề gì có thể xảy ra thì không phải ai cũng nắm rõ. Để hiểu hơn về vấn đề này, mời các bạn cùng theo dõi thông tin trong bài viết dưới đây.

Thế nào là suy giáp? 

Tuyến giáp là một phần của hệ thống nội tiết, có nhiệm vụ sản xuất, lưu trữ, giải phóng hormone triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4) vào máu, tham gia điều hòa sự trao đổi chất, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của một số cơ quan như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa,... cũng như chuyển hóa các chất carbohydrate, chất béo, chất đạm,... Suy giáp là hội chứng xảy ra khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm, dẫn tới không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Phụ nữ, đặc biệt là những người khoảng từ 20 – 40 tuổi có khả năng cao mắc phải bệnh lý này. Suy giáp ít khi gây ra các triệu chứng ở giai đoạn đầu, nhưng theo thời gian, nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như: Nhịp tim chậm, tăng cholesterol, béo phì, đau khớp, cơ thể mệt mỏi, táo bón, rụng tóc, da khô, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh,… Để điều trị suy giáp, người bệnh cần bổ sung lượng hormone tuyến giáp bị thiếu hụt hàng ngày.

Tác dụng của thuốc điều trị suy giáp levothyroxine

Levothyroxine là hợp chất đồng phân của thyroxine (T4), có tác dụng làm tăng tiêu thụ oxy ở các mô, tăng tốc độ chuyển hóa đạm, đường, mỡ trong cơ thể, điều hòa sự phát triển tế bào, tác động đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương và tim mạch, giúp tăng co bóp cơ tim cũng như khiến não bộ tập trung cao độ. Levothyroxine được dùng trong điều trị suy giáp do bất cứ nguyên nhân hay lứa tuổi nào, kể cả phụ nữ có thai. Chỉ trừ trường hợp suy giáp nhất thời trong thời kỳ hồi phục viêm giáp bán cấp. Ngoài suy giáp, levothyroxine còn được dùng trong bướu cổ đơn thuần để giúp giảm kích thước bướu. Thuốc này còn được sử dụng trong nhiễm độc giáp để ngăn chặn bướu giáp và suy giáp.

Sử dụng levothyroxine điều trị suy giáp cần thận trọng với những người có mức hormone tuyến giáp tăng cao khi dùng thuốc, suy giảm tuyến thượng thận, tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp hay tiểu đường. Một số loại thuốc và thực phẩm khác cũng có thể gây tương tác và ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu của levothyroxin.

Những vấn đề có thể xảy ra khi sử dụng thuốc điều trị suy giáp levothyroxine

Levothyroxine là thuốc hormone tuyến giáp tổng hợp có độ dung nạp cao, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều tác dụng không mong muốn, cụ thể:

- Tăng nguy cơ gãy xương: Theo báo cáo của trường Đại học Toronto (Canada) thì những người cao tuổi sử dụng levothyroxin có thể tăng nguy cơ gãy xương. Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học Anh được tiến hành trên bệnh nhân 70 tuổi trở lên, hiện đang dùng các hormon tuyến giáp tổng hợp thì có đến 88% bị gãy xương trong khoảng thời gian 4 năm. Những người sử dụng levothyroxin với liều càng cao thì tiềm ẩn rủi ro gãy xương càng lớn. Các nhà nghiên cứu đã xác định được một liều điều trị thông thường là giữa 0,044 và 0,093 mg/ngày sẽ gây tăng nguy cơ gãy xương 2,6 lần, so với liều điều trị dưới 0,044 mg/ ngày. Tương tự như vậy, khi uống liều cao hơn 0,093 mg/ngày làm tăng nguy cơ gãy xương 3,5 lần so với liều điều trị thấp nhất.

- Bị nổi phát ban, khó thở, bị sưng môi/lưỡi/họng, bị sưng mặt.

- Mắt bị mờ hoặc nhìn đôi, chóng mặt, đau ở hông hay đầu gối, co giật hoặc nhức đầu dữ dội.

- Một số tác dụng phụ ít gặp bao gồm: Đau ngực, khó thở, mệt mỏi cùng cực, nhịp tim không đều hoặc tăng nhịp tim, sốt, không dung nạp nhiệt, tăng huyết áp, buồn nôn, và sưng mắt, khuôn mặt, môi, cổ họng hoặc lưỡi.

- Một số các tác dụng phụ khác bao gồm: Đau bụng, thay đổi khẩu vị, khóc, một cảm giác sảng khoái, hoang tưởng, trầm cảm, nhức đầu, rụng tóc, tăng sự thèm ăn, thay đổi tâm trạng, lo lắng, bồn chồn, nôn, mệt mỏi bất thường, tăng cân hoặc sụt cân.

Nên sử dụng levothyroxine như thế nào?

Để đem lại hiệu quả, tốt nhất mọi người nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn về liều dùng, thông thường dùng thuốc 1 lần/ngày. Nên uống thuốc với nhiều nước, trước khi ăn sáng ít nhất từ 30 phút đến 1 giờ. Nếu lựa chọn việc uống thuốc vào buổi tối, hãy chắc chắn rằng, bạn không ăn gì trong vòng 4 tiếng trước đó.

Trong quá trình điều trị suy giáp, cần tái khám theo chỉ định của bác sĩ (thường ít nhất mỗi năm một lần) để đánh giá điều trị và điều chỉnh nếu cần thiết. Hãy chắc chắn sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hãy nói với bác sĩ nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ lý do cần điều trị lâu dài hoặc cảm thấy bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc.

Trẻ em bị suy giáp cần được tái khám thường xuyên, vì liều lượng thuốc hormone sẽ thay đổi khi trẻ lớn lên. Suy giáp không được điều trị ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Khi đến độ tuổi thích hợp mà bạn nghĩ trẻ có thể hiểu được, (thường 9 – 10 tuổi), bạn nên dạy cho trẻ biết về chứng suy giáp mà chúng đang mắc phải, tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc đúng cách cũng như việc đi kiểm tra thường xuyên.