Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp được cho là có tiên lượng tương đối tốt và tỷ lệ biến chứng thấp, nếu được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm. Tuy nhiên, loại phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn nguy cơ tai biến. Bác sĩ trước khi tiến hành phẫu thuật cho bạn sẽ thảo luận và trao đổi với bạn về những rủi ro, biến chứng có thể gặp sau khi phẫu thuật tuyến giáp. Sau đây là những nguy cơ có thể xảy đến với bạn sau khi mổ bướu tuyến giáp.
5 nguy cơ tiềm ẩn sau khi mổ bướu tuyến giáp
Bất cứ một phương pháp điều trị hay phẫu thuật nào đều có những lợi ích và nguy cơ song hành với nhau. Các nguy cơ chung của phẫu thuật bao gồm: Chảy máu, nhiễm trùng, áp xe và các biến chứng khác như: Sốc phản vệ, trụy tim mạch,… Còn đối với riêng phẫu thuật bướu tuyến giáp có thể có những biến chứng sau:
Chảy máu ở cổ: Xảy ra trong khoảng 1/300 các ca mổ bướu tuyến giáp. Lượng chảy máu thường nhỏ, nhưng cũng có thể làm nghẽn khí quản và gây khó thở. Trong trường hợp đó, bác sĩ phải thực hiện các hoạt động cấp cứu khẩn cấp để làm giảm xuất huyết và áp lực. Rất hiếm các trường hợp cần phải truyền máu khi phẫu thuật tuyến giáp.
Sưng, phù nề: Có thể là do tụ dịch, chất lỏng dưới vết rạch, bệnh nhân thấy sưng hoặc phù nề.
Nhiễm trùng: Xảy ra trong khoảng 1/2000 các ca phẫu thuật bướu tuyến giáp và việc sử dụng thường xuyên các kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng là không cần thiết. Nói chung, cổ là một khu vực sạch mà thường không bị nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng hậu phẫu xảy ra, có thể cần phải làm sạch dịch và sử dụng kháng sinh.
Thay đổi giọng nói: Là một biến chứng thường được biết đến và lo ngại sau khi phẫu thuật tuyến giáp. Có hai bộ dây thần kinh vị trí gần tuyến giáp giúp kiểm soát tiếng nói. Đây là các dây thần kinh và nhánh bên ngoài của thanh quản. Tổn thương với dây thần kinh thanh quản có thể khiến người bệnh "mất giọng". Tỷ lệ tổn thương vĩnh viễn khoảng 1%. Tuy nhiên, nếu người bệnh là ca sĩ hay diễn giả, chỉ cần một sự tổn thương rất nhỏ làm thay đổi giọng nói cũng làm ảnh hưởng đến công việc. Những thay đổi giọng nói có thể tạm thời, chẳng hạn như khàn tiếng nhẹ, nói nhanh mệt. Mặc dù giọng nói thường được cải thiện trong vài tuần đầu sau phẫu thuật, nhưng có trường hợp kéo dài đến 6 tháng.
Nếu cả hai dây thanh quản đều bị tổn thương, chúng có thể đóng lại, không cho phép không khí đi qua miệng và mũi vào phổi. Khi đó, cần phải đặt ống dẫn khí quản để cho phép đưa không khí vào phổi. Tuy nhiên, trường hợp này cũng rất hiếm.
Nếu có sự thay đổi về giọng nói kéo dài hơn 6 tháng sau khi phẫu thuật, chúng có thể sẽ là tổn thương vĩnh viễn. Lúc này, người bệnh cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để chẩn đoán chính xác tình trạng và thực hiện các thủ thuật định vị lại dây thanh.
Suy giáp: Có thể xảy ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Các tuyến cận giáp giúp kiểm soát nồng độ canxi trong máu. Do vậy, suy giáp và giảm canxi máu là biến chứng dễ xảy ra sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp. Các triệu chứng của nồng độ canxi máu thấp bao gồm: Cảm giác ngứa hoặc như kim châm, thường gặp quanh miệng và ở bàn tay. Giảm canxi nặng có thể gây co rút cơ, dân gian gọi là chuột rút. Do vậy, việc bổ sung canxi là cần thiết sau khi phẫu thuật bướu tuyến giáp.
Nói chung, tuyến cận giáp có thể không hoạt động tốt ngay sau khi phẫu thuật. Do đó, trong tuần đầu tiên hoặc 2 tuần sau khi phẫu thuật, bạn có thể được bác sĩ cho về nhà với và có chỉ định dùng thuốc cụ thể, bổ sung canxi hoặc vitamin D.