Bướu tuyến giáp đa nhân khá phổ biến trên lâm sàng, mặc dù đa số chúng là lành tính nhưng vẫn có 5 % có nguy cơ ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh lý này tăng theo tuổi và cao hơn ở nữ giới. Vậy các phương pháp điều trị bướu tuyến giáp đa nhân là gì?
Việc điều trị bướu tuyến giáp đa nhân sẽ phụ thuộc vào kích thước khối bướu cổ, vị trí, mức độ trầm trọng của các triệu chứng hay người bệnh đã từng bị cơn nhiễm độc giáp hay chưa?
Một số phương pháp điều trị đó là:
1. Liệu pháp ức chế hormone tuyến giáp
TSH (thyroid simulating hormone) được xem như yếu tố kích thích tế bào biểu mô tuyến giáp phát triển, vì vậy ức chế tiết TSH sẽ giúp điều trị bướu tuyến giáp đa nhân. Sử dụng levothyroxine để ức chế tiết TSH đã được áp dụng để điều trị bướu cổ từ trước đây. Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp này vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Một thử nghiệm lâm sàng với 78 bệnh nhân mắc bướu cổ không độc (non-toxic goiter) được điều trị bằng levothyroxine 9 tháng liên tiếp chỉ ra rằng: 58% bệnh nhân giảm kích thước khối bướu (phát hiện bằng siêu âm) nhưng tác dụng này bị mất đi khi người bệnh ngưng sử dụng thuốc. Tổng hợp kết quả của 7 thử nghiệm lâm sàng khác nghiên cứu về tác dụng của thuốc levothyroxine với bướu cổ không độc cho thấy 60 % bệnh nhân đã giảm kích thước khối bướu cổ. Quan sát rõ nhất là vào thời điểm 3 tháng đầu điều trị và với bướu lan tỏa giảm nhiều hơn bướu đơn nhân. Tác dụng của liệu pháp thyroxine trong ức chế sự phát triển của bướu giáp vẫn chưa được biết rõ. Bởi một số thử nghiệm lâm sàng khác không hề thấy levothyroxine có hiệu quả.
Đối với việc điều trị sử dụng liệu pháp hormone này, nguy cơ mắc cường giáp trên lâm sàng là rất cao, nên cần thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mãn kinh. Ngoài ra thuốc có thể gây giảm mật độ xương, bệnh tim mạch,…
2. Liệu pháp iod phóng xạ
Iod phóng xạ (RadioIodine Therapy - RAI) rất hay được sử dụng để điều trị bướu giáp đa nhân độc. Khi người bệnh uống iod phóng xạ, thuốc sẽ tập trung tại các mô tuyến giáp và phá hủy các nhân độc. Đối với cường giáp nghiêm trọng hoặc bướu cổ lớn có thể đòi hỏi liều iod phóng xạ cao hơn. Iod phóng xạ sẽ tích lũy trong các nhân giáp độc (tiết nhiều hormone), do đó tỷ lệ biến chứng suy giáp sẽ thấp hơn nhiều so với người mắc bệnh Graves (Basedow) cũng được điều trị bằng iod phóng xạ. Trong trường hợp người bệnh đã từng bị cơn nhiễm độc giáp, kết hợp với tiền sử mắc bệnh tim mạch sẽ được điều trị trước tiên bằng thuốc kháng giáp methimazole hoặc propylthiouracil. Những bệnh nhân trẻ và khỏe mạnh không cần phải điều trị trước bằng thuốc kháng giáp. Mặc dù, thuốc liệu pháp iod phóng xạ không được khuyến khích cho bướu giáp đa nhân không độc nhưng một vài nghiên cứu đã chứng minh được tính an toàn cũng như hiệu quả trên cả bướu độc và không độc. Hơn 30-60% người bệnh giảm được kích thước khối bướu cổ đáng kể, nhất là trong năm đầu tiên áp dụng. Các triệu chứng chèn ép cũng được cải thiện. Nghiên cứu cho thấy liệu pháp iod phóng xạ có hiệu quả hơn thuốc levothyroxine trong việc giảm kích thước khối bướu.
Cường giáp tạm thời có thể xảy ra trong hai tuần đầu tiên sử dụng iod phóng xạ. Biến chứng suy giáp vĩnh viễn đã được phát hiện trên 45% người mắc bướu giáp đa nhân. Ngoài ra, sau điều trị bướu giáp đa nhân bằng iod phóng xạ có thể dẫn đến phát triển bệnh cường giáp tự miễn (Graves), nhất là trên những người có nồng độ kháng thể kháng peroxidase tuyến giáp cao.
3. Phẫu thuật
Đối với những trường hợp bướu giáp đa nhân lớn, gây chèn ép, bướu không độc hoặc phì đại nhanh, cách điều trị tốt nhất là sử dụng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh cần hiểu rõ và chấp nhận một số rủi ro của mổ tuyến giáp. Một vài biến chứng của phẫu thuật bướu giáp đa nhân phổ biến nhất đó là mất giọng, khản tiếng (do tổn thương dây thần kinh thanh quản), suy tuyến cận giáp, suy giáp vĩnh viễn.
Việc kiểm soát và điều trị cho bệnh nhân bướu giáp đa nhân khó hơn rất nhiều so với bướu đơn nhân. Định lượng hormone TSH trong máu là bước tiền đề để loại trừ nhân tuyến giáp tăng cường chức năng (ít có nguy cơ bị ác tính). Trong trường hợp nghi ngờ ung thư trên lâm sàng, bạn cần thực hiện biện pháp sinh thiết.