Bướu cổ tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến người bệnh cảm thấy tự ti, bởi đột nhiên xuất hiện một bướu to đùng trước cổ và những triệu chứng khó chịu như: Khó nuốt thức ăn, khó thở, giọng nói khàn,…. Điều trị bệnh lý này là cả quá trình lâu dài, đòi hỏi người bệnh cần phải kiên trì thậm chí cả cuộc đời, hơn nữa bệnh lại rất dễ tái phát. Nhiều người chủ quan rằng, mình đã điều trị khỏi rồi thì bệnh sẽ không mắc lại nữa nên không có biện pháp phòng ngừa. Đến khi bệnh tái phát thì sẽ có xu hướng nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị.

1. Chỉ cần bổ sung iod là khỏi bướu cổ

Thiếu iod được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý bướu cổ. Iod rất cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp, do vậy, ở những người có chế độ ăn uống thiếu hụt iod sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh bướu cổ. Vậy có phải chúng ta chỉ cần bổ sung iod là khỏi bướu cổ phải không? Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm! Thiếu iod được cho là nguyên nhân chính gây ra bệnh lý bướu cổ, nhưng ngoài ra, còn rất nhiều lý do khác góp phần gây ra bệnh lý bướu cổ như: Hệ miễn dịch, các bệnh lý của tuyến giáp, giới tính, tuổi tác,… Đôi khi, bướu cổ cũng xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp, dẫn đến bướu cổ. Do vậy, việc bổ sung iod trong trường hợp này sẽ không làm khỏi bệnh bướu cổ. Khi một người đã được xác định mắc bệnh bướu cổ do thiếu hụt iod thì việc bổ sung iod sẽ giúp ngăn chặn bệnh tiến triển và ổn định lâu dài hơn chứ không thể coi là đã khỏi bệnh. Người bệnh vẫn cần định kỳ tái khám để phát hiện sớm những biểu hiện bất thường và có hướng điều trị kịp thời.

2. Chỉ cần dùng thuốc điều trị tây y là khỏi bướu cổ

Đối với bệnh lý bướu cổ, nếu tuyến giáp vẫn làm việc bình thường, không có hiện tượng rối loạn hormone tuyến giáp thì thông thường không cần điều trị mà chỉ định kỳ thăm khám là được. Còn nếu có biểu hiện rối loạn hormone tuyến giáp, gây ra cường giáp, suy giáp thì cần sử dụng các thuốc tây y để điều trị (thuốc kháng giáp và thuốc bổ sung hormone tuyến giáp). Các thuốc này chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, giúp đưa hormone tuyến giáp về mức bình thường chứ không phải điều trị nguyên nhân. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thuốc điều trị tây y chỉ được chỉ định khi thật sự cần thiết và cần có sự theo dõi của bác sĩ để điều chỉnh liều dùng cho phù hợp, tránh các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

3. Chỉ cần mổ là khỏi bướu cổ

Phương pháp phẫu thuật chỉ được chỉ định với bệnh nhân bị bướu cổ kích thước to, gây ra triệu chứng như khó thở, khó nuốt, nhịp tim nhanh, run tay chân,… hay ung thư tuyến giáp. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể mà bệnh nhân có thể được chỉ định cắt một phần hoặc toàn phần tuyến giáp. Tuy nhiên, việc phẫu thuật cũng chỉ giải quyết các vấn đề về thẩm mỹ, ngăn chặn bệnh tiến triển, chứ không điều trị triệt để, do vậy bướu cổ có thể vẫn tái phát. Bên cạnh đó, trong quá trình phẫu thuật, người bệnh còn phải đối mặt với nhiều rủi ro như mất tiếng, sốc do gây mê, nhiễm trùng,… Với các trường hợp cắt một phần tuyến giáp, bệnh vẫn có thể tái phát nên cần định kỳ 3 – 6 tháng định kỳ thăm khám lại bạn nhé! Với các trường hợp cắt toàn bộ tuyến giáp, người bệnh cần sử dụng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp suốt cuộc đời còn lại.  

4. Chỉ cần đắp lá là khỏi bướu cổ

Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, đắp lá không phải là một phương pháp điều trị bướu cổ, bởi đây là một bệnh lý có nguồn gốc từ sự rối loạn hormone tuyến giáp bên trong cơ thể. Rất nhiều người, khi thấy vùng cổ xuất hiện bướu đã tự ý đắp thuốc, đắp lá vào vùng bướu cổ, hoặc dùng dao lam rạch bướu với mong muốn khỏi bướu cổ. Thế nhưng, việc làm này không những phản khoa học mà còn gây lở loét, khiến bệnh ngày càng trầm trọng, bướu cổ cũng phát triển to hơn. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng hoặc ảnh hưởng sang các cơ quan khác...