Viêm tuyến giáp là hiện tượng viêm cấp hoặc mạn tính tại tuyến giáp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người mắc. Vậy cách điều trị viêm tuyến giáp hiện nay là gì? Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề này thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin hữu ích có trong nội dung bài viết sau đây.
Thế nào là viêm tuyến giáp?
Tuyến giáp là cơ quan nội tiết hình con bướm nằm ở phía trước cổ, đóng vai trò tạo ra các hormone, giải phóng vào máu và sau đó đưa đến mọi mô trong cơ thể. Hormone tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, tạo điều kiện cho não, tim, cơ bắp và các cơ quan khác hoạt động bình thường. Viêm tuyến giáp là hiện tượng viêm cấp hoặc mạn tính tại tuyến giáp do nhiễm vi khuẩn, virus hay tác động xấu của một số loại thuốc và thường gây ra nhiều thay đổi khác nhau của chức năng tuyến giáp, dẫn đến các hệ luỵ như suy giáp, bình giáp, cường giáp, nhiễm độc giáp,… tùy theo từng thể bệnh.
Có nhiều dạng bệnh viêm tuyến giáp nhưng phổ biến nhất vẫn là viêm tuyến giáp mạn tính, viêm tuyến giáp cấp tính và viêm tuyến giáp bán cấp. Nếu viêm tuyến giáp gây tổn thương, phá hủy tế bào chậm và mạn tính sẽ dẫn đến giảm nồng độ hormone trong máu, bệnh nhân gặp phải các triệu chứng suy giáp, bao gồm: Mệt mỏi, tăng cân, táo bón, khô da, trầm cảm, khả năng chịu đựng kém. Đây cũng là biểu hiện ở bệnh nhân viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto.
Nếu tình trạng viêm gây tổn thương và phá hủy tế bào nhanh chóng, hormone tuyến giáp được lưu trữ sẽ bị rò rỉ ra ngoài và tăng nồng độ trong máu. Khi đó, những bệnh nhân này sẽ trải qua các triệu chứng: Lo lắng, mất ngủ, đánh trống ngực (nhịp tim nhanh), mệt mỏi, sụt cân và khó chịu.
Cách điều trị viêm tuyến giáp hiện nay như thế nào?
Điều trị viêm tuyến giáp như thế nào? Đây là băn khoăn của rất nhiều người khi được chẩn đoán mắc phải tình trạng này. Theo chuyên gia nội tiết, việc điều trị còn phụ thuộc vào loại viêm tuyến giáp và biểu hiện lâm sàng, cụ thể:
Cách điều trị viêm tuyến giáp cấp tính
Nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến giáp cấp tính thường là do sự xâm nhập của vi khuẩn hay virus. Đây là loại bệnh ít gặp hơn so với viêm tuyến giáp bán cấp tính hay mạn tính.
Cách điều trị bệnh viêm tuyến giáp cấp tính hiện nay thường được áp dụng đó là dùng kháng sinh và rạch lấy mủ. Việc sử dụng kháng sinh sẽ được chỉ định nếu bệnh nhân mới chỉ bị viêm tuyến giáp cấp tính mức độ nhẹ. Ngược lại, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn viêm nhiễm nặng gây mưng mủ thì bác sĩ sẽ tiến hành rạch để lấy hết mủ.
Cách điều trị viêm tuyến giáp bán cấp
Cách điều trị căn bệnh này còn tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể. Lúc đầu, tuyến giáp bị phá hủy sẽ giải phóng ra nhiều nội tiết tố dự trữ, gây cường giáp tạm thời (lượng hormone trong máu tăng nhưng tuyến giáp không hoạt động quá mức). Trong trường hợp này, người mắc có thể sẽ được chỉ định thuốc chẹn beta để làm ổn định nhịp tim và điều trị chứng run tay.
Khi lượng nội tiết tố dự trữ đã được sử dụng hết, cùng với tình trạng viêm khiến cho tuyến giáp không thể sản xuất được hormone, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng suy giáp. Lúc này, liệu pháp thay thế hormone sẽ được chỉ định. Trong trường hợp viêm tuyến giáp bán cấp gây đau, có thể được kiểm soát bằng các thuốc chống viêm như aspirin, ibuprofen hoặc sử dụng steroid đối với trường hợp nặng.
Cách điều trị viêm tuyến giáp mạn tính
Với trường hợp viêm tuyến giáp mạn tính thì hiện vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Người mắc sẽ phải bổ sung hormone thay thế suốt đời và cần được xét nghiệm đánh giá thường xuyên, có thể là hàng tháng trong thời gian đầu cho đến khi xác định được liều thích hợp, sau đó là hàng năm. Bên cạnh đó, việc thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung thực phẩm có lợi giúp tăng cường miễn dịch là điều rất cần thiết.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phòng bệnh viêm tuyến giáp mạn tính bằng cách bổ sung iod từ nguồn thức ăn khoảng 100 - 150mcg mỗi ngày, tránh căng thẳng tinh thần và thường xuyên kiểm tra chức năng tuyến giáp. Nhìn chung, tiên lượng của các bệnh nhân viêm tuyến giáp mạn tính là tốt, có cuộc sống hoàn toàn bình thường nếu được điều trị đúng cách.
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tuyến giáp
Viêm tuyến giáp có thể được hạn chế nếu bạn:
- Khám tuyến giáp định kỳ: Các triệu chứng bệnh viêm tuyến giáp thay đổi theo thời gian, từ trạng thái cường giáp sang suy giáp. Chính vì vậy, việc khám tuyến giáp định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, từ đó, đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Tích cực bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C, E, các vi khoáng magie, kẽm, iod, selen, protein vào chế độ ăn uống hàng ngày.
- Nên sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa các thành phần như hải tảo, khổ sâm nam, bán biên liên, neem,… giúp tăng cường hệ miễn dịch, điều hòa hormone tuyến giáp.