FT3, FT4, TSH là gì? Những chỉ số xét nghiệm này có ý nghĩa gì? Liệu tuyến giáp gặp vấn đề gì khi các chỉ số này thay đổi? Đây là thắc mắc của rất nhiều người sau khi được xét nghiệm, đánh giá chức năng tuyến giáp. Để tìm hiểu về các chỉ số xét nghiệm tuyến giáp, mời bạn tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây.
Vai trò của tuyến giáp đối với cơ thể
Tuyến giáp nằm ở trước cổ, phía dưới thanh quản. Nó có vai trò sản xuất hormone để điều hòa mọi hoạt động sống của cơ thể.
Tuyến giáp sản xuất ra 2 loại hormone đó là thyroxine (T4 - chứa bốn nguyên tử iod trên mỗi phân tử) và triiodothyronine (T3 - chứa ba nguyên tử iod trên mỗi phân tử). Để tạo ra 2 hormone T3, T4 tuyến giáp rất cần iod - một nguyên tố vi lượng quan trọng của cơ thể. Quá trình bài tiết T3, T4 chịu sự điều khiển của hormon vùng dưới đồi và tuyến yên ở não. Khi nồng độ T3, T4 trong cơ thể thấp hoặc quá trình trao đổi chất suy giảm, vùng dưới đồi sẽ giải phóng hormone TRH để kích thích tuyến yên tiết TSH. Lúc này TSH sẽ đi vào máu và đến tuyến giáp. Tại đây, TSH kích thích tuyến giáp tăng sản xuất T3, T4 để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Tuyến giáp có vai trò quan trọng đối với mọi hoạt động sống của cơ thể
T3, T4 có ý nghĩa gì đối với cơ thể của chúng ta?
Mặc dù tuyến giáp là cơ quan rất nhỏ nhưng nó có vai trò quan trọng đối với chúng ta. Các hormon T3, T4 được tiết ra từ tuyến giáp có tác động lên cơ thể như:
- Trao đổi chất: Các hormone tuyến giáp giúp làm tăng tốc độ chuyển hóa cơ bản, giúp cải thiện quá trình hấp thu của cơ thể. Bên cạnh đó, nó còn giúp giảm cholesterol máu nhờ cơ chế tăng phân hủy chất béo và acid béo tự do.
- Tim mạch: Hormone tuyến giáp giúp làm tăng nhịp tim, tốc độ thở, tăng lưu lượng máu và nhiệt độ của cơ thể.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển: Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến sự phát triển của những tế bào não trong cơ thể, nhất là ở trẻ nhỏ.
- Các chức năng khác: Ngoài tác dụng trên, hormone tuyến giáp còn giúp duy trì chức năng tình dục, kiểm soát giấc ngủ và suy nghĩ của mỗi người.
Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm tuyến giáp
Các xét nghiệm tuyến giáp gồm:
- Hormone tuyến yên kích thích tuyến giáp hoạt động (TSH).
- Xét nghiệm T4 toàn phần (gồm cả T4 gắn kết protein và không gắn kết protein, T4 tự do (Free T4 - FT4)) giúp đo lường toàn bộ lượng thyroxine trong máu, từ đó đánh giá được chức năng tuyến giáp.
- Xét nghiệm T3 toàn phần giúp đo lường lượng Triiodothyronine lưu hành trong máu (gồm cả T3 gắn kết protein và không gắn kết protein T3 tự do (Free T3 - FT3)).
Giới hạn của các chỉ số xét nghiệm chức năng tuyến giáp ở người bình thường khỏe mạnh là:
- Chỉ số TSH: 0,4-4,0 mU/L;
- Chỉ số T4: 60-140 nmol/L;
- Chỉ số FT4: 10-26 pmol/L;
- Chỉ số T3: 1,1-2,7 nmol/L;
- Chỉ số FT3: 3,5-7,8 pmol/L.
Sau khi xét nghiệm chức năng tuyến giáp, người bệnh thấy các chỉ số này thấp hơn hoặc cao hơn mức giới hạn, điều này có ý nghĩa như sau:
- Nếu chỉ số FT4 thấp, TSH cao và FT4 thì người mắc có nguy cơ bị bệnh suy giáp nguyên phát do viêm tuyến giáp Hashimoto;
- Chỉ số FT4 thấp và TSH thấp cảnh báo nguy cơ mắc suy giáp thứ phát do một số bệnh liên quan đến tuyến yên;
- Chỉ số FT4 tăng, TSH thấp cho thấy bệnh nhân bị cường giáp, thường gặp nhất là bệnh Graves (Basedow);
- Trong trường hợp chỉ số TSH tăng nhẹ nhưng FT4 vẫn nằm trong giới hạn cho phép thì đây là dấu hiệu cảnh báo suy giáp;
- Nếu kết quả xét nghiệm tuyến giáp ban đầu có dấu hiệu rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc nghi ngờ mắc bệnh tuyến giáp tự miễn, chuyên gia y tế có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm một hoặc nhiều xét nghiệm kháng thể của tuyến giáp như TPOAb, TgAb và TRAb.
Cơ chế sản xuất hormone T3,T4 ở tuyến giáp