Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ trong thời gian thai kỳ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Theo nghiên cứu có khoảng 3 – 4% các phụ nữ mang thai bị rối loạn chức năng tuyến giáp, chủ yếu là suy giáp hoặc cường giáp. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, mời các bạn cùng theo dõi thông tin hữu ích trong nội dung bài viết dưới đây.

Tìm hiểu về chức năng, hoạt động của tuyến giáp

Tuyến giáp là cơ quan nội tiết hình cánh bướm nhỏ, nằm ở phía trước cổ,dưới thanh quản, có vai trò sản xuất hormone và phóng thích vào máu, giúp tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể, kiểm soát lượng canxi trong máu.

 Tuyến giáp có vai trò sản xuất hormone tham gia vào quá trình trao đổi chất của cơ thể

Tuyến giáp có vai trò sản xuất hormone tham gia vào quá trình trao đổi chất của cơ thể

Cụ thể, chức năng của tuyến giáp bao gồm:

- Tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sinh trưởng và phát dục.

- Kích thích hoạt động của tim, tăng cường sự co bóp.

- Tác động chức năng hoạt động tuyến sinh dục và tuyến sữa.

- Điều hòa quá trình tạo nhiệt, làm tăng đường huyết.

- Kích thích sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh ngay từ khi còn trong bào thai.

Vì những chức năng quan trọng như vậy nên hormone tuyến giáp được cơ thể điều tiết ra lượng vừa đủ cho nhu cầu. Sự dư thừa hay thiếu hụt hormone ở mức độ nhiều hay ít đều có ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nêu ra 2 rối loạn tuyến giáp điển hình có liên quan đến tình trạng bất thường về nồng độ hormone đó là: Cường giáp và suy giáp.

Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ trong thời gian thai kỳ gây nên những ảnh hưởng gì?

Hiện có hơn 200 triệu người mắc bệnh tuyến giáp trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới mắc gấp 10 lần so với nam giới. Vậy bệnh tuyến giáp ở phụ nữ trong thời gian thai kỳ gây ảnh hưởng như thế nào?

Cường giáp

Cường giáp trong thời kỳ mang thai ảnh hưởng rất lớn đến cả mẹ và bé, có thể dẫn đến sinh non (trước 37 tuần mang thai) và trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Biến chứng phổ biến nhất là tiền sản giật, một dạng tăng huyết áp thai kỳ (huyết áp cao của thai kỳ) ở phụ nữ bị cường giáp.

Một dạng cường giáp đe dọa tính mạng nghiêm trọng, được gọi là bão tuyến giáp, có thể làm phức tạp thai kỳ. Đây là tình trạng có lượng hormone tuyến giáp cực kỳ cao có thể gây sốt cao, mất nước, tiêu chảy, nhịp tim nhanh và không đều, sốc và tử vong nếu không được điều trị.

Phụ nữ mắc cường giáp khi mang thai rất nguy hiểm 

Phụ nữ mắc cường giáp khi mang thai rất nguy hiểm

Các triệu chứng cường giáp thai kỳ bao gồm:

- Giảm cân hoặc không tăng cân như mong đợi, thường xuyên thèm ăn, tiêu chảy hoặc táo bón.

- Nhịp tim nhanh và thở nhanh, ngay cả khi nghỉ ngơi.

- Tăng tiết mồ hôi và chịu nóng kém.

- Xuất hiện khối bướu ở cổ.

- Lồi mắt.

Suy giáp

Suy giáp trong thời gian thai kỳ là một tình trạng phổ biến và có thể bỏ sót nếu triệu chứng biểu hiện mờ nhạt. Thông thường các dấu hiệu của suy giáp thường bị nhầm với trầm cảm.

Trường hợp thai phụ bị suy giáp nhẹ khi mang thai nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách thì rất có thể gặp phải tình trạng đau yếu cơ, thiếu máu, suy tim xung huyết, táo bón, chậm chạp.... Đặc biệt, nguy cơ các biến chứng liên quan đến sản khoa như bất thường bánh nhau, tiền sản giật, đẻ con nhẹ cân và chảy máu nhiều sau sinh,... có thể xảy ra ở những trường hợp suy giáp phụ nữ mang thai nặng.

Đối với thai nhi, tuyến giáp sẽ được hình thành và hoạt động bắt đầu từ tuần thai thứ 10 hoặc 12 của thai kỳ, do vậy, trong khoảng 3 tháng đầu, thai nhi sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hormon tuyến giáp của người mẹ, nếu như mẹ bị suy giáp thì con cũng sẽ gặp phải tình trạng này (còn gọi là suy giáp bẩm sinh). Hormon tuyến giáp lại có vai trò rất quan trọng trong việc phân chia và hình thành các cơ quan cũng như sự phát triển não bộ của trẻ. Chính vì thế, nếu như trẻ bị suy giáp bẩm sinh thì có khả năng gặp những bất thường về sự phát triển thể chất và trí tuệ là rất cao.

Suy giáp ở phụ nữ mang thai có thể gây ra rất nhiều nguy cơ và nó được đánh giá là nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi. Chính vì thế, các bác sĩ vẫn luôn khuyến cáo phụ nữ có thai nên xét nghiệm TSH ngay khi có kế hoạch sinh con hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ trong thời gian thai kỳ điều trị như thế nào?

Mắc bệnh tuyến giáp trong thời gian mang thai rất nguy hiểm đối với sự phát triển của thai nhi và sức khỏe người mẹ. Vậy tình trạng này nên được điều trị như thế nào và cần có những lưu ý gì?

Điều trị cường giáp khi mang thai

Việc điều trị cường giáp khi mang thai cần phải phụ thuộc vào điều kiện thể chất, mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng như tuổi thai. Thường thì người mắc sẽ phải dùng thuốc để kháng giáp và điều hòa nhịp tim. Tuy nhiên, việc dùng thuốc trong thời kỳ nhạy cảm này có thể truyền qua nhau thai và làm ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, khi không thể dùng thuốc kháng tuyến giáp thì sẽ chuyển sang phương pháp phẫu thuật. Cách này thường được chỉ định thực hiện vào tháng thứ 3 của thai kỳ.

Phụ nữ đang hoặc có dự định mang thai không nên điều trị bằng iod phóng xạ. Thuốc phóng xạ thường phá hủy tuyến giáp của bệnh nhân để ngăn chặn nó hoạt động quá mức, do đó có thể gây hại cho tuyến giáp của thai nhi.

Cường giáp khi mang thai không quá khó để điều trị, tuy nhiên, mẹ bầu cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời, phải làm các xét nghiệm trước khi sinh để kiểm soát sức khỏe của cả 2 mẹ con.

Điều trị suy giáp thai kỳ

Phương pháp điều trị suy giáp ở phụ nữ mang thai là dùng hormone tuyến giáp tổng hợp levothyroxine để thay thế. Thường sẽ phải tăng liều lên 25-50% so với bình thường, thỉnh thoảng có trường hợp phải tăng liều gấp đôi. Chức năng tuyến giáp được kiểm tra mỗi 6-8 tuần trong suốt quá trình mang thai, nếu thay đổi liều levothyroxine thì cần kiểm tra chức năng tuyến giáp sau 4 tuần. Sau sinh càng sớm càng tốt, liều levothyroxine được đưa về giống như trước khi mang thai.

Điều quan trọng nên biết rằng vitamin dành cho phụ nữ mang thai có chứa sắt và canxi, sẽ làm giảm hấp thu hormone tuyến giáp qua đường tiêu hóa. Do đó cần uống các thuốc vào những thời điểm khác nhau, cách nhau ít nhất 2-3 giờ.