Tuyến giáp là một tuyến nội tiết rất quan trọng trong cơ thể nhưng lại rất dễ bị mắc bệnh, trong đó, bướu tuyến giáp đa nhân khá phổ biến ở nữ giới. Trước kia, nguyên nhân gây bướu tuyến giáp đa nhân thường là thiếu iod, thế nhưng hiện nay bệnh lại liên quan nhiều đến các rối loạn tự miễn nhiều hơn. Vậy biểu hiện và nguyên nhân gây bệnh là gì?

Bướu tuyến giáp đa nhân là bệnh gì?

Bướu tuyến giáp đa nhân (còn gọi là bướu cổ đa nhân hay bướu giáp đa nhân) là sự phì đại của toàn bộ tuyến giáp, trong đó xen lẫn nhiều nhân giáp.

Bướu giáp đa nhân bao gồm hai loại là độc và không độc. Bướu giáp đa nhân không độc là dạng lành tính, không gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Bướu tuyến giáp đa nhân độc là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, dẫn đến các biểu hiện của cường giáp.

Hầu hết các nhân tuyến giáp là lành tính, tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhỏ ác tính.

Biểu hiện của bướu tuyến giáp đa nhân

Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, thường được phát hiện tình cờ. Bướu tuyến giáp đa nhân xuất hiện từ từ, ít khi đột ngột. Những nhân có đường kính bằng hoặc lớn hơn 1 cm thì nhìn thẳng hoặc nhìn nghiêng đều thấy được, di động khi nuốt. Khi sờ nắn nhân sẽ thấy có hình bầu dục hoặc tròn. Bướu giáp nhân thường ở vị trí cổ, nhưng cũng có thể xuất hiện sau xương ức hoặc ở vị trí bất thường như: Trung thất, lưỡi, buồng trứng.

Khi bướu phát triển nhanh, lớn gây chèn ép và các cơ quan bên cạnh sẽ gây ra các biểu hiện: Khàn giọng, khó nuốt hay khó thở (nhất là khi nằm).

Đối với bướu cổ đa nhân độc (sản xuất hormone tuyến giáp quá mức), người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Không chịu được nóng, nhịp tim nhanh thậm chí lúc nghỉ ngơi, dễ bị kích động, căng thẳng, lo lắng, sút cân, rối loạn về giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ).

Nguyên nhân gây bướu tuyến giáp đa nhân

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bướu tuyến giáp đa nhân đó là thiếu iod. Tuyến giáp sử dụng iod để tổng hợp nên hormone. Khi không cung cấp đủ iod cho cơ thể, chức năng của tuyến giáp sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế, các túi muối được sản xuất hiện nay thường cho thêm iod vào để phòng tránh các bệnh tuyến giáp.

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh bướu tuyến giáp đa nhân đó là:

- Thiếu iod

- Di truyền

- Giới tính: Nữ hay mắc bệnh hơn nam

- Tuổi: Phụ nữ tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bướu tuyến giáp đa nhân càng lớn

- Tiền sử gia đình có người bị bệnh

- Từng mắc bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Graves (còn gọi bệnh Basedow)

Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, tuyến yên ở trong não sẽ tăng tiết TSH (thyroid stimulating hormone). Sự giải phóng TSH liên tục sẽ khiến tuyến giáp bị phì đại và dẫn đến bướu tuyến giáp đa nhân.

Khi tuyến giáp sản xuất quá mức hormone cũng có thể gây ra bướu đa nhân. Một số trường hợp, không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh.