Tôi 25 tuổi, vừa lập gia đình nên rất mong có con. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra sức khỏe gần đây của cơ quan, tôi biết mình bị cường giáp do Basedow. Xin hỏi, cường giáp có nguy hiểm với thai phụ không? Nguyên nhân gây cường giáp cũng như dấu hiệu nhận biết?
Trả lời:

Chào ban!

Cường giáp là tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp, khiến hormon giáp sản xuất nhiều hơn bình thường, dẫn tới tăng lượng hormon giáp lưu hành trong máu, gây ra những tổn hại về mô và chuyển hóa. Bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Hiện có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh cường giáp như: Basedow, bướu giáp đa nhân hóa độc (thường xảy ra do thiếu iod); viêm giáp bán cấp (liên quan tới nhiễm virus, tuyến giáp to đau, do dùng hormon giáp). Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: nhân độc giáp, cường giáp do quá tải iod, cường giáp do thuốc amiodaron, cường giáp do thuốc interferon, u tuyến yên tiết TSH, mô giáp lạc chỗ, thai trứng, ung thư tế bào nhau…Trong đó, nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai kỳ là Basedow (chiếm 60-80% các trường hợp cường giáp) hay bướu tuyến giáp đa nhân cường giáp hóa hoặc tăng hCG khi mang thai (hiếm gặp hơn).

Bệnh cường giáp có thể gây sẩy thai, thai nhẹ cân, tiền sản giật, sinh non… Đặc biệt, một cơn cường giáp cấp lúc chuyển dạ có thể đưa đến tỷ lệ tử vong mẹ và con lên đến gần 100%. Vì vậy, nếu bệnh Basedow của bạn không được ổn định thì tránh mang thai, bởi khi bạn mang thai, đứa trẻ có thể bị cường giáp ngay trong bụng mẹ, làm thai chậm tăng trưởng hoặc có thể bị chết lưu; một số trẻ sinh ra có thể có vấn đề lâu dài về thần kinh. Nếu mẹ dùng thuốc kháng giáp tổng hợp với liều quá cao hoặc dùng iod liều cao, thai nhi có thể bị suy giáp, khiến thai chết lúc sinh hoặc có dị tật bẩm sinh 20% trường hợp, những đứa trẻ sống sót cũng chậm phát triển về tâm thần và thể chất.

Không dễ để nhận biết bệnh cường giáp. Thông thường, bệnh nhân sẽ có những cảm giác như: sợ nóng, đổ mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, dễ cáu gắt, dễ xúc động, nói nhiều, khó tập trung, mất ngủ, run tay, tiêu chảy dù không đau bụng, sụt cân dù ăn nhiều, rụng tóc, móng tay dễ gãy… Ở phụ nữ, kinh nguyệt bất thường, có thể giảm (thiểu kinh) hoặc tắt kinh (vô kinh). Ở nam giới, vú to bất thường hoặc khả năng tình dục giảm… khiến người bệnh lầm tưởng là mình đang bị một stress tâm lý và đa số khi phát hiện bướu giáp lớn lan tỏa hay đau trong viêm giáp mới đến bác sĩ để tìm bệnh.
Khi xuất hiện những triệu chứng trên, người bệnh nên nghĩ tới cường giáp và phải đi khám bệnh ngay. Bệnh cường giáp thường đáp ứng tốt với điều trị. Nếu để cường giáp kéo dài hoặc cường giáp tái phát bệnh sẽ nặng lên và gây biến chứng: rối loạn nhịp tim, suy tim, cơn bão giáp với tỷ lệ tử vong cao.

Chúc bạn nhiều sức khỏe.

Chuyên viên nội tiết.