Tôi đang có cháu nhỏ 19 tháng tuổi. Sau khi có thai được khoảng 4 tuần, tôi bị động thai và có uống thuốc an thai, đến tuần thứ năm thì tôi phát hiện có bướu cổ. Tôi có đi khám ở Bệnh viện Ung bướu và kết quả chẩn đoán là phình tuyến giáp, BS khuyên cứ về nhà mang thai và sinh đẻ bình thường. Tôi định cho con bú đến 24 tháng tuổi rồi mới bỏ bú nhưng tôi sợ, không biết bị bướu cổ cho con bú lâu dài có ảnh hưởng gì tới em bé không ? Nghe người ta nói uống lá trinh nữ hoàng cung là hết bệnh bướu cổ có đúng không? Bệnh bướu cổ có bị di truyền không? Nên ăn những loại thức ăn nào để tránh bướu cổ ? Phải ăn thức ăn nào khi đã bị bướu cổ?
Trả lời:

Chào bạn!

Khi có thai tuyến giáp to hơn bình thường, một số trường hợp có thể khám thấy có bướu. Đa số bướu giáp phát hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ là bướu giáp lành tính (không rối loạn chức năng tuyến giáp và cũng không phải ung thư). Nếu chức năng tuyến giáp bình thường (nghĩa là bướu giáp đơn thuần) thì không cần điều trị gì cả và cũng không ảnh hưởng gì tới thai cũng như em bé trong giai đoạn cho bú. Bạn nên tiếp tục cho con bú vì sữa mẹ rất tốt cho trẻ em.
Về lá trinh nữ hoàng cung, loại thảo dược này có tính chất kháng u, dùng điều trị hỗ trợ cho một số trường hợp u ác tính và lành tính. Nếu dùng, cần cân nhắc lựa chọn về tính hiệu quả (do có nhiều phương pháp điều trị u, cần chọn phương pháp hiệu quả nhất) và tính an toàn, đặc biệt là trong thai kỳ, khi cho con bú. Bệnh của bạn theo tôi, không nên dùng loại thảo dược này.
Một số bệnh bướu giáp có tính chất gia đình. Để chẩn đoán chính xác loại bệnh nào, bạn cần đi khám và thực hiện một số xét nghiệm. Một số bệnh có diễn tiến thay đổi, do đó cần kiểm tra định kỳ về sau.

Chúc chị và bé nhiều sức khỏe.

Chuyên viên nội tiết.