Chào bạn,
Theo BSCKII. Trần Quang Đạt – Nguyên trưởng khoa châm cứu và các phương pháp không dùng thuốc – Đại học Y Hà Nội chia sẻ trên chuyên mục tư vấn sức khỏe thì bướu giáp là tên gọi của các bướu cổ lành tính. Biểu hiện đặc trưng của bệnh lý này là sự phì đại của tuyến giáp. Bướu giáp đơn thuần có thể có kích thước từ vài g đến vài kg. Tuy nhiên một điều quan trọng mà người ta còn gọi các bướu này là bướu bình giáp đó là tuy có sự phì đại của tuyến giáp nhưng nồng độ hormon tuyến giáp trong máu vẫn ở mức bình thường và ít thay đổi. Do đó, đa phần bệnh nhân có thể chung sống hòa bình với bướu này trong nhiều năm.
Bướu giáp đơn thuần có nên mổ không?
Việc phẫu thuật bướu giáp là lựa chọn cuối cùng trong điều trị, khi các phương pháp bảo tồn khác không có hiệu quả. Sau khi mổ bướu giáp, người bệnh có thể phải sử dụng thuốc nội tiết cả đời. Việc sử dụng hormon đưa vào từ bên ngoài sẽ phụ thuộc vào mức độ suy giáp sau phẫu thuật. Và cần theo dõi thường xuyên để điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp, đặc biệt là thai phụ sẽ tiềm ẩn nguy cơ suy giáp bẩm sinh ở thai nhi. Bên cạnh đó, quá trình phẫu thuật có thể gặp các biến chứng như: cắt nhầm tuyến cận giáp, tổn thương dây thanh quản sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật: khàn tiếng, mất tiếng, rối loạn sử dụng canxi… Do đó, bướu giáp đơn thuần chỉ nên mổ khi bướu có kích thước quá lớn gây biến chứng chèn ép các cơ quan như: khó thở, khàn tiếng…, bướu phát triển nhanh hay bướu to ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tuy nhiên, cần xem xét đến độ tuổi và nguyện vọng của bệnh nhân. Do đó, bạn nên đến chuyên khoa nội tiết để các bác sĩ tư vấn trực tiếp và chỉ định điều trị cho thích hợp.
Chúc bạn sức khỏe!
Chuyên gia nội tiết