Thưa Bác sĩ, Hiện tại em đang mang thai được 32 tuần, trước đây em bị bệnh cường giáp (đã điều trị gần 1 năm rưỡi). Lần thử máu gần đây khoảng tháng 12 thì chỉ số bình thường đối với T3, T4. Riêng TSH thì chỉ số hơi thấp hơn bình thường một chút. Từ lúc mang thai đến bây giờ em cảm thấy rất khỏe, em xin hỏi bác sĩ là với tình trạng của em như thế nào?
Trả lời:

Chào bạn!

Khi bị cường giáp thì nồng độ hormone thyroxin trong máu mẹ rất cao. Thyroxin gây ra các triệu chứng điển hình như: tay run, nhịp tim nhanh, mạch nhanh, mắt lồi, nặng hơn nữa là suy tim. Thyroxin đi vào máu thai, tạo ra nồng độ cao trong máu thai, dẫn đến tăng nhịp tim thai, thai nhỏ hơn so với tuổi, có thể sẩy thai, sinh non, thai chết lưu. Ngoài ra, cũng có thể gây dị tật, dị dạng thai.
Khi có thai mà bị cường giáp nặng phải dùng các loại kháng giáp tổng hợp. Các loại kháng giáp tổng hợp này đều đi vào thai, gây hại thai. Một trong các tác hại này là gây suy giáp cho thai. Hầu hết các thuốc kháng giáp tổng hợp như: methylthiouracil (MTU), methimazol, carbimazol, thyrozol, propylthiouracil (PTU) đều có tính độc nguy hiểm này. Riêng PTU ít qua nhau thai hơn nên mức độ độc thấp hơn và là thuốc được lựa chọn.
Mục tiêu của điều trị là giữ cho nồng độ FT3 và FT4 của mẹ ở giới hạn cao của bình thường (hoặc hơi cao hơn bình thường) với liều PTU thấp nhất có tác dụng mặc dù nồng độ TSH có thể vẫn thấp. Bằng cách này sẽ hạn chế được các nguy cơ thai nhi bị suy giáp hoặc có bướu giáp. Tuyệt đối tránh để mẹ bị suy giáp vì hậu quả cho con là rất lớn, nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ. Muốn vậy các thai phụ cần phải được theo dõi chặt, bệnh nhân phải được khám và làm xét nghiệm FT4 và TSH hằng tháng.
Khi có thai mà bệnh tiến triển nặng thì có nguy cơ bị các cơn cường giáp cấp (gọi là bão giáp), gây tử vong mẹ với tỷ lệ khá cao. Trong 3 tháng cuối thai kỳ cơn cường giáp có thể giảm xuống nhưng sau khi sinh lại tăng lên, gây trở ngại cho việc nuôi con.
Bệnh hay nặng lên sau khi sinh, thường là trong thời gian 3 tháng đầu sau khi sinh. Khi đó các bệnh nhân cần phải bắt đầu lại hoặc tăng liều thuốc kháng giáp tổng hợp và theo dõi thường xuyên như khi không có thai.
Chúc mẹ và bé nhiều sức khỏe.

Chuyên viên nội tiết.