Iốt kali (Potassium iodide- KI) là chế phẩm có thành phần chính là nguyên tố iốt. Cơ thể chúng ta cần iốt để duy trì các chức năng hoạt động bình thường của tuyến giáp. Trên lý thuyết, việc sử dụng iốt kali với liều lượng phù hợp ngay sau khi tiếp xúc với nguồn phóng xạ, giúp ngăn chặn sự hấp thu iốt phóng xạ (radioiodine), giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp trong dân chúng vùng bị phơi nhiễm với phóng xạ.

Muối iốt khi bổ sung vào muối ăn, nó trở thành phương tiện hiệu quả trong việc bổ sung lượng iốt cho cơ thể, thường không được cung cấp đầy đủ qua khẩu phần ăn hàng ngày (Nhu cầu mỗi ngày ở trẻ em dưới 10 tuổi từ 80- 100mcg; người lớn cần khoảng 150mcg).

Việc thiếu hụt iốt gây rối loạn hormone tuyến giáp sẽ ảnh hưởng cho quá trình phát triển trí não, chậm lớn, nặng nề nhất là gây bướu cổ đơn thuần, chứng đần độn, câm, điếc. Chính lý do này mà trên thế giới đã triển khai chương trình “phòng chống rối loạn do thiếu iốt”- Trong đó có Việt Nam chúng ta. Xét về bản chất hóa học, dạng iốt có trong muối iốt cũng như nguyên tố iốt từ thực phẩm như rong biển, hải sản, cá biển, rau chân vịt, rau cần... cũng có tác dụng giống như iốt kali; Tuy nhiên khi dùng với mục đích phòng chống tác hại của phóng xạ thì không hiệu quả, vì liều lượng khá thấp (1 muỗng cà phê muối iốt chỉ chứa khoảng 400mcg nguyên tố iốt). Nhưng muốn dùng nhiều hơn lượng muối iốt cũng không thể, vì khó ăn (do độ mặn), và lượng Natri trong muối ăn khi dùng quá nhiều sẽ dẫn đến chứng cao huyết áp, thậm chí là ngộ độc.

Theo nghiên cứu của Bác sĩ thú y Med (Praha) trên những con dê bị bướu cổ. Ông tiến hành cho những con dê này sử dụng kali iodua tẩm với lúa mạch với liều 0,5g mỗi động vật/ngày trong vòng 3 tuần. Sau 3 tuần nghiên cứu thì ông thây tuyến giáp bắt đầu thay đổi. Các khối u tuyến giáp trở nên mềm trở lại và từ tuần thứ 8 thì các khối u này đã teo và biến mất, trạng thái sinh lý của cơ quan đã trở về bình thường trong tuần thứ 11.