Xin chào chuyên gia. Tôi là nữ, năm nay 42 tuổi. Chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây mà tôi bị sút 5kg. Không những thế, tôi phát hiện ra cổ của mình hơi to hơn bình thường một chút. Khi nuốt thức ăn hay nước bọt thì cảm thấy khó. Xin hỏi, liệu đó có phải là dấu hiệu của bệnh cường giáp hay không và bây giờ tôi cần phải làm gì, thưa chuyên gia?
Trả lời:

Chào bạn!

Theo như thông tin cung cấp, bạn đang gặp phải tình trạng giảm cân nhanh, đột ngột, kết hợp với cổ to bất thường. Đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý cường giáp.

Theo các chuyên gia nội tiết, chức năng tuyến giáp và trọng lượng cơ thể có mối quan hệ rất mật thiết với nhau, thông qua yếu tố trung gian là tỷ lệ trao đổi chất cơ bản. Tỷ lệ trao đổi chất cơ bản, hay còn gọi là chuyển hóa cơ bản (BMR) được xác định bằng cách đo lượng oxy mà cơ thể sử dụng trong khi nghỉ ngơi. Bệnh cường giáp làm chức năng tuyến giáp hoạt động quá mức, khiến BMR tăng cao. Điều này gây ra sự tiêu tốn năng lượng ở bệnh nhân cường giáp cao hơn người bình thường, nhu cầu calo tăng lên. Nếu bệnh nhân không tiêu thụ đủ calo để đáp ứng các yêu cầu cao này thì việc giảm cân chắc chắn sẽ xảy ra, thậm chí là giảm một cách nhanh chóng, đột ngột như tình trạng mà bạn đang gặp phải.

 Ngoài hậu quả gây giảm cân nhanh, sự gia tăng trao đổi chất ở bệnh nhân cường giáp còn khiến người bệnh luôn luôn cảm thấy nóng nực, đổ mồ hôi quá mức, tim đập nhanh, thường xuyên hồi hộp, lo lắng, chán nản, dễ gặp những cơn hoảng loạn, rụng tóc, mắt lồi và cổ phình to hơn mức bình thường. Tất cả những triệu chứng này là kết quả của việc tăng nồng độ hormone tuyến giáp, hoạt động trao đổi chất diễn ra quá mức.

Muốn biết mình có chính xác bị bệnh cường giáp hay không, bạn cần phải đi khám chuyên khoa nội tiết, làm các xét nghiệm để được chẩn đoán. Về điều trị cường giáp, thông thường, người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc để ức chế, ngăn ngừa sản sinh ra hormone tuyến giáp, kết hợp với thuốc chẹn kênh beta để giảm nhịp tim, huyết áp, triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực.

Khi bắt đầu điều trị bằng thuốc, có thể bạn sẽ thấy tăng cân trở lại do tác dụng của thuốc, làm sự trao đổi chất của cơ thể trở lại mức bình thường. Hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị cường giáp làm tăng cảm giác thèm ăn, khiến người bệnh luôn thấy thèm ăn và ăn mất kiểm soát. Bạn cần lưu ý kiểm soát cân nặng khi tiến hành điều trị cường giáp để tránh bị tăng cân ngoài ý muốn.

Chuyên gia nội tiết