Xin hỏi chuyên gia, bệnh suy giáp có chữa khỏi được không và nên làm thế nào để cải thiện ạ? Cháu năm nay 25 tuổi, vừa được chẩn đoán mắc phải tình trạng này cách đây vài ngày. Hiện cháu đang rất lo lắng, mong chuyên gia giải đáp giúp có cách nào chữa khỏi bệnh suy giáp không ạ? Cháu xin cảm ơn. (Minh Trang, Bắc Ninh)
Trả lời:

Chào Minh Trang, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Với băn khoăn của bạn, chúng tôi có lời giải đáp như sau:

Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?

Minh Trang thân mến, suy giáp là hội chứng chứ không phải một bệnh riêng biệt. Tuy nhiên, có thể do nhầm lẫn hoặc thói quen mà nhiều người thường hay gọi “bệnh suy giáp” thay vì hội chứng suy giáp để chỉ tình trạng chức năng tuyến giáp bị suy giảm, dẫn đến không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Và cũng rất khó để trả lời cụ thể cho câu hỏi “bệnh suy giáp có chữa khỏi được không”. Trước tiên, cần làm rõ khái niệm “điều trị” và “chữa khỏi”. Tất cả các triệu chứng suy giáp đều có thể được điều trị, giúp cho chức năng tuyến giáp dần dần khôi phục. Tuy nhiên, để giữ được tình trạng ổn định đó thì người mắc cần phải duy trì dùng thuốc. Còn việc có chữa khỏi được hay không thì cần phải tìm hiểu xem nguyên nhân gây bệnh là gì.

Nếu nguyên nhân gây suy giáp là do viêm tuyến giáp Hashimoto - một rối loạn tự miễn làm cho hệ miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn, tấn công và phá hủy tuyến giáp, dẫn tới giảm khả năng tạo hormone, thì việc dùng thuốc điều trị có thể giúp hồi phục chức năng tuyến giáp về mức bình thường, nhưng kháng thể phá hủy tuyến giáp không bị ảnh hưởng bởi thuốc. Vì thế, việc chữa khỏi suy giáp đối với trường hợp này là không thể, người mắc cần phải sử dụng thuốc hormone tuyến giáp suốt đời, liều lượng có thể thay đổi theo diễn biến của bệnh, bác sĩ sẽ kiểm tra mức TSH (hormone kích thích tuyến giáp) khoảng 12 tháng/lần.

Tuy nhiên, nếu bạn bị suy giáp do tác dụng phụ của thuốc kháng giáp trong điều trị cường giáp thì chức năng tuyến giáp có thể sẽ trở lại bình thường sau khi ngưng sử dụng. Nếu tình trạng suy giáp chỉ ở mức độ nhẹ, thì bạn có thể không cần điều trị, nhưng phải được theo dõi, để phát hiện sớm những dấu hiệu khi bệnh tiến triển nặng hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về những mặt lợi và hại của việc dùng thuốc để chữa chứng suy giáp nhẹ. Đối với trường hợp phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp thì việc bị suy giáp vĩnh viễn là điều không thể tránh khỏi, và người bệnh sẽ phải bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp suốt đời. Liều lượng của thuốc phải được theo dõi thận trọng, nhất là những người đồng thời mắc bệnh tim mạch, bởi vì dư hormone giáp sẽ làm tăng nguy cơ bị đau thắt ngực, loạn nhịp tim (rung nhĩ).

Bên cạnh đó, một số trường hợp suy giáp có thể tự hết sau một thời gian, chẳng hạn như tình trạng rối loạn tuyến giáp sau sinh. Đây là rối loạn xảy ra theo từng giai đoạn. Trong vòng 1– 6 tháng đầu tiên sau sinh, phụ nữ rơi vào tình trạng nhiễm độc giáp (cường giáp). Còn những tháng tiếp theo, người bệnh chuyển sang pha suy giáp. Mặc dù gây ra những phiền phức nhất định, nhưng kết quả thống kê cho thấy, 80% phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp đều sẽ trở lại bình thường sau 1 năm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể tái phát ở những lần mang thai sau.