Phương pháp Iod phóng xạ 131 điều trị bệnh basedow có khỏi hẳn không? Đó là thắc mắc của rất nhiều người. Bởi những ảnh hưởng đến sức khỏe của basedow là không hề nhỏ, khiến cho bệnh nhân gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Để hiểu rõ hơn, mời các bạn cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết sau.

Basedow là bệnh gì?

Basedow là nguyên nhân chính gây hội chứng cường giáp với biểu hiện lâm sàng là: Xuất hiện bướu cổ to ra, mạch nhanh, hay có những cơn nóng bừng ở mặt, lòng bàn tay thường hâm hấp mồ hôi, mắt lồi, rối loạn tiêu hoá, tính tình thay đổi, hay cáu gắt, dễ nổi nóng, run tay,... Bệnh có tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn so với nam giới, chiếm tới 80%.

Bệnh basedow có bản chất là rối loạn miễn dịch. Bình thường, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách sản xuất kháng thể chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vào như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, những kháng thể này cũng có thể phản ứng với protein trên bề mặt tuyến giáp, dẫn đến sự sản xuất quá mức các hormon tuyến giáp (cường tuyến giáp trạng). Bệnh basedow rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tim mạch. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể dẫn tới biến chứng bão giáp khiến bệnh nhân tử vong trong tình trạng suy tim.

Quá trình thực hiện phóng xạ Iod 131 điều trị basedow như thế nào?

Ở Việt Nam, phóng xạ Iod 131 (I-131) được ứng dụng trong điều trị basedow và cường giáp lần đầu tiên vào năm 1978. Do tính chất đơn giản, hiệu quả, kinh tế và  thẩm mỹ,... nên hiện nay I-131 đang có xu hướng ngày càng được sử dụng rộng rãi.

Điều trị bằng iod phóng xạ thường được chỉ định với tất cả các bệnh nhân (thuộc mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em) được chẩn đoán xác định là có cường giáp trạng hay basedow chưa qua bất kỳ phương pháp điều trị nào (như điều trị nội khoa, phẫu thuật) hoặc tái phát sau điều trị nội khoa, tái phát sau phẫu thuật; Biến chứng sau điều trị nội khoa (dị ứng, nhiễm độc gan, giảm bạch cầu, suy tuỷ xương  sau điều trị bằng  thuốc kháng giáp) hoặc bệnh nhân không còn chỉ định phẫu thuật,...

Quy trình điều trị bằng I-131 được thực hiện khá đơn giản. Bệnh nhân có chỉ định điều trị sẽ được uống I-131 dưới dạng dung dịch lỏng hoặc viên con nhộng, sau đó chất này sẽ ngấm vào máu. Từ máu, phần lớn chất I-131 đi vào tuyến giáp. Lượng I-131 nào không đi vào tuyến giáp hầu hết sẽ được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, trong vòng 24 tiếng sau khi uống thuốc. Ngoài ra, một phần chất I-131 cũng được thải ra khỏi cơ thể trong nước miếng, qua mồ hôi và phân. Lượng I-131 nào đi vào tuyến giáp sẽ phóng ra các hạt phóng xạ và hủy hoại mô mà chúng tiếp xúc, làm cho tuyến giáp ngưng tiết hormone.

Để giảm bớt chất phóng xạ làm ảnh hưởng đến những bộ phận khác trong cơ thể, nhất là bàng quang, bệnh nhân nên uống thật nhiều nước và đi tiểu thường xuyên trong 48 tiếng đầu sau khi uống thuốc. Người bệnh không ăn trước và sau khi uống I-131 2 giờ. Nên uống thuốc vào bữa ăn trưa để dạ dày đỡ bị chiếu xạ nhiều, nếu dung dịch nước thì hãy dùng ống hút để tránh rơi rớt, tráng cốc một vài lần để uống cho thật hết. Nếu bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc khác giáp trạng PTU (propylthiouracil) thì phải ngừng 1 tuần trước khi dùng I-131, bởi PTU có thể ảnh hưởng đến quá trình hữu cơ hóa iod và còn gây tăng iod niệu, giảm hiệu quả của I-131.

Phương pháp iod phóng xạ 131 điều trị bệnh basedow có khỏi hẳn không?

I-131 thường phát huy hiệu quả điều trị từ 6 - 8 tuần sau khi uống thuốc. Theo nhiều thống kê cho thấy có tới hơn 85% bệnh nhân hết các triệu chứng cường giáp sau 3 - 5 tháng nhận liều điều trị bằng I-131. Hơn 95% bệnh nhân có bướu cổ trở về bình thường hoặc nhỏ lại, và trên 80% bệnh nhân lên cân. Các triệu chứng run tay, rối loạn tiêu hoá,... được cải thiện rõ rệt ở 100% bệnh nhân sau khi uống I-131.

Một điểm đặc biệt của phương pháp điều trị này là I-131 có thể thu nhỏ bướu giáp và làm mất các triệu chứng cường giáp để đưa bệnh nhân về tình trạng bình giáp. Vì thế người ta còn gọi đây là phương pháp phẫu thuật không cần dao. Bướu cổ nhỏ lại và trở về bình thường sau uống I-131 là một ưu điểm đặc biệt phương pháp này, nó tạo nên tính thẩm mỹ cao, không để lại bất kỳ một vết sẹo nào trên cổ người bệnh. Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên, các chuyên gia nội tiết cũng lưu ý rằng phương pháp I-131 không chữa khỏi được bệnh basedow, người mắc vẫn có thể tái phát với tỷ lệ tích lũy hàng năm là 2,1%. Đặc biệt khi điều trị basedow bằng iod phóng xạ, bệnh nhân cần có những lưu ý sau:

- Không được sử dụng iod phóng xạ để chẩn đoán hay điều trị cho phụ nữ đang mang thai. Những phụ nữ muốn có con phải đợi ít nhất sau 6 - 12 tháng kể từ khi hoàn thành quá trình điều trị I-131, vì buồng trứng cũng có nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào về việc iod phóng xạ có thể gây vô sinh cho phụ nữ, nhưng nó có thể gây mãn kinh sớm.

- Khi điều trị iod phóng xạ, nam giới có thể bị giảm số lượng tinh trùng và vô sinh tạm thời trong khoảng 2 năm.

- Sau khi điều trị bằng iod phóng xạ, bệnh nhân cần: Uống nhiều nước; Tránh tiếp xúc lâu với trẻ em và phụ nữ mang thai, duy trì khoảng cách an toàn với người khác, ít nhất là 1m; Không nên đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng sau điều trị; Hạn chế xuất hiện nơi công cộng; Ngủ ở giường cách ly, cách giường khác > 2m.