Trên các diễn đàn sức khỏe có một chủ đề đang thu hút sự quan tâm của mọi người - đó là bệnh cường giáp có chữa khỏi được không và làm cách nào để cải thiện bệnh hiệu quả? Ngày nay, trước diễn biến gia tăng phức tạp của bệnh, thì việc tìm hiểu kiến thức xung quanh là điều bạn nên làm. Để giải đáp câu hỏi trên, mời bạn đọc tham khảo nội dung bài viết sau!

Bệnh cường giáp là gì?

Cường giáp là hội chứng (bao gồm nhiều biểu hiện), không phải là một bệnh riêng biệt. Tuy nhiên, do thói quen mà nhiều người hay gọi là “bệnh cường giáp”. Có rất nhiều bệnh gây ra hội chứng này, trong đó có thể kể đến Basedow.

Cường giáp xuất hiện trong nhiều bệnh khác nhau gây ra bởi sự tăng tiết hormone quá mức, làm gia tăng quá trình chuyển hóa, ảnh hưởng đến hoạt động của tim mạch như: Tim đập nhanh, sụt cân, gầy yếu, cơ thể mệt mỏi.

Nguyên nhân gây bệnh cường giáp

Theo tạp chí Healthline (Hoa Kỳ), nguyên nhân phổ biến gây cường giáp là do bệnh Basedow (Graves). Đây là bệnh có liên quan đến yếu tố tự miễn.

Bình thường, tuyến yên có vai trò tiết TSH để kích thích tuyến giáp sản xuất ra hormone T3, T4 (hai hormone đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa trao đổi chất của cơ thể) với nồng độ cho phép. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn, cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể tự sinh có đặc điểm giống như TSH. Những tự kháng thể này sẽ tác động lên tế bào ở giáp nang và hoạt hóa quá trình tổng hợp, giải phóng hormone tuyến giáp quá mức. Khi nồng độ hormone tuyến giáp vượt ngưỡng cho phép sẽ gây ra các biểu hiện tăng chuyển hóa như: Tim đập nhanh, sụt cân, mắt lồi, sợ nóng, da khô, tóc rụng, mệt mỏi,...

Cơ chế gây bệnh cường giáp 

Cơ chế gây bệnh cường giáp 

Ngoài yếu tố tự miễn, còn có các nguyên nhân gây cường giáp như:

- Do chế độ ăn dư thừa iod (thành phần chính tạo nên hormone T3, T4)

- Do viêm tuyến giáp.

- Khối u lành tính ở tuyến giáp, tuyến yên.

- Khối u ở buồng trứng hoặc tinh hoàn.

Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không?

Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không? Đây là vấn đề quan tâm của rất nhiều người. Trả lời về câu hỏi này, các chuyên gia nội tiết cho biết: Các bệnh lý tuyến giáp đều có thể điều trị để duy trì nồng độ hormone ở ngưỡng cho phép. Tuy nhiên để chữa khỏi bệnh, tức là nồng độ tự kháng thể trong huyết thanh không còn nữa thì hoàn toàn không thể. Hiện nay, việc điều trị cường giáp chủ yếu là cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh như: Suy tim mạch, cơn bão giáp, tổn thương mắt,...

Việc sử dụng các thuốc kháng giáp, iod phóng xạ, phẫu thuật có thể làm giảm nồng độ hormone T3, T4 trong một thời gian ngắn, tuy nhiên nó không thể làm mất đi hay tiêu diệt các tự kháng thể, do vậy bệnh cường giáp rất dễ tái phát. 

Điều này lý giải cho câu hỏi tại sao nồng độ hormone của người mắc cường giáp đã ổn định sau khi dùng thuốc kháng giáp, sử dụng iod phóng xạ, phẫu thuật nhưng chỉ được một thời gian bệnh lại tái phát.